Aa

Mùa đại hội cổ đông, các ngân hàng đua nhau chọn ngày “đẹp”

Thứ Ba, 23/04/2019 - 06:01

Riêng trong hai ngày 23/4 và 26/4 có khoảng 12 ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông thường niên với những cái tên lớn như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Sacombank...

Vốn điều lệ của Vietcombank, VietinBank và BIDV

Vốn điều lệ của Vietcombank, VietinBank và BIDV

12 ngân hàng họp đại hội cổ đông trong 2 ngày

Cuối tháng 4 này được xem là thời điểm sôi nổi và "nóng" nhất của đại hội cổ đông ngành ngân hàng trong năm 2019.

Những phát súng của 3 ông lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và những cái tên đáng chú ý trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, Sacombank, Eximbank, VPBank... đã cho thấy phần nào sự lựa chọn thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ của các nhà băng đều có chủ ý để lựa chọn ngày đẹp.

Riêng trong ngày 23/4 có thể kể đến 6 ngân hàng tổ chức đại hội gồm: VietinBank, ACB, TPBank, SHB, MSB và HDBank.

Tương tự, ngày 26/4 cũng là một trong những "ngày đẹp" được nhiều ngân hàng lựa chọn tổ chức đại hội như: Vietcombank, BIDV, Sacombank, NCB, Eximbank, VPBank, VietABank.

Trước đó, trong tháng 3/2019, các ngân hàng đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 xong có thể kể đến gồm Nam A Bank, ngày 23/3; VIB, ngày 28/3.

Ngoài ra, các SeABank, ngày 10/4; KienlongBank, ngày 12/4; Techcombank, ngày 13/4; SCB, ngày 16/4; BacABank, ngày 22/4 cũng đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông 2019.

Ngoài ra, ngày 24/4, LienVietPostBank cũng tổ chức tại TPHCM. Được biết, trước đó, đáng lẽ ngân hàng này đã phải tổ chức từ cuối tháng 3 nhưng lại bất ngờ lùi gần 1 tháng.

Ngày 25/4, PvcomBank cũng tổ chức tại Quảng Ninh. Còn ABBank và PG Bank lần lượt được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội.

Khép lại chuỗi ngày đẹp của mùa ĐHĐCĐ 2019 là ngân hàng OCB và MBBbank cùng tổ chức vào ngày 27/4.

ĐHĐCĐ 2019 vẫn nóng chủ đề tăng vốn

Năm 2019 được đánh giá là một năm khá quan trọng đối với nhiều ngân hàng trong vấn đề tăng vốn. Khi thời điểm áp dụng Basel II tới gần (cuối năm 2020), yêu cầu tăng vốn lại trở nên càng cấp thiết hơn, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. 4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã từng "cầu cứu" về vấn đề này trong hội nghị tổng kết ngành có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam sáng 11/4, Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đã xây dựng Phương án cơ cấu lại VCB gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 và là nhóm ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN phê duyệt Phương án theo Quyết định số 02/QĐ-NHNN ngày 8/1/2018.

Ngay sau đó, Vietcombank đã ban hành Kế hoạch chi tiết trong đó xác lập rõ tầm nhìn đến năm 2020 Vietcombank là ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo thông lệ quốc tế.

Ngân hàng cho biết muốn tăng vốn điều lệ lên mức 57.201 tỷ đồng vào năm 2020, tức tăng trưởng bình quân 10,5% hàng năm. Tổng tài sản đến năm 2020 dự kiến vượt 1,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn vượt 1 triệu tỷ; dư nợ tín dụng 870,6 nghìn tỷ.

VietinBank vẫn là ngân hàng sẽ khó có khả năng tăng vốn nhất bởi lẽ tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng này đã giảm về mức tối thiểu theo quy định (~65%). Việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu cũng khó khả thi khi mà Nhà nước chủ trương sẽ không đầu tư thêm vào ngành ngân hàng, giờ chỉ còn trông chờ vào những thay đổi từ chính sách qua việc chia cổ tức và giảm sở hữu vốn Nhà nước.

Còn ở BIDV, phương án bán vốn cho KEB Hana Bank đã được phê duyệt và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2019, chi tiết về phương án này có thể sẽ được bàn đến trong đại hội năm nay.

Tại ngân hàng VIB dự kiến trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên mức tối đa 10.900 tỉ đồng, bao gồm cả kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Được biết hiện nay VIB còn gần 10% "room" cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, ngân hàng VIB dự kiến chi trả 5,5% cổ tức bằng tiền mặt và 18% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu quĩ để thưởng cho nhân viên.

Các ngân hàng ACB, Nam A Bank cũng đề cập đến chuyện tăng vốn trong năm 2019 nhưng chưa đưa ra thông tin cụ thể. ACB dự kiến sẽ trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu và bán cổ phiếu quỹ.

Còn tại Nam A Bank, có lẽ sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn còn dang dở trong năm trước, tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng bằng phương thức phát hành thêm cổ phiếu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top