Aa

Sacombank muốn đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sàn niêm yết

Thứ Tư, 11/10/2017 - 07:00

Ngân hàng Sacombank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM; Hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) vừa có thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch.

Theo đó, ngân hàng định đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM; Hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.

Các bước thực hiện sẽ là hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); hủy đăng ký, niêm yết STB tại HoSE; Đăng ký chứng khoán SCM tại VSD và sau cùng là niêm yết SCM trên Sàn giao dịch Hà Nội HNX.

Đây là thông tin khá bất ngờ với nhà đầu tư bởi mã chứng khoán STB đã gắn liền với Sacombank suốt 11 năm qua.

Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá tới 200.000 đồng/cổ phiếu. 10 năm sau, vào tháng 7/2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn tập trung HoSE. Năm 2012, STB đứng đầu trong danh sách 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số VN30 và được đánh giá là ngân hàng tốt nhất trong nhóm cổ phần tư nhân với lợi nhuận trên dưới 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giữa lúc đỉnh cao nhất, Sacombank lại phải đương đầu với khó khăn khi đổi chủ từ người sáng lập Đặng Văn Thành sang ông chủ mới là Trầm Bê, rồi sau đó là nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Nhưng công cuộc thâu tóm có vấn đề, nên sau đó vào tháng 11/2015, ông Trầm Bê cùng người liên quan phải ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước - điều chưa từng xảy ra trước đó trong lĩnh vực ngân hàng.

Quãng thời gian 2015 và năm 2016 cũng chính là vùng trũng của ngân hàng này do phải gánh khoản nợ xấu khổng lồ từ Phương Nam. Ngân hàng loay hoay tìm kiếm nhà đầu tư mới có tiềm lực với hàng loạt cái tên sáng giá được xướng lên, bao gồm cả ông chủ cũ Đặng Văn Thành. Trong hoạt động, Sacombank làm ra bao nhiêu đều phải dùng để trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bấy nhiêu.

Cho đến tận tháng 5 năm nay, Sacombank mới được phê duyệt đề án tái cơ cấu với lộ trình lên đến 10 năm cùng nhiều chính sách ưu tiên từ phía cơ quan quản lý.

Được phê duyệt đề án cũng chính là khi ngân hàng tìm ra nhà đầu tư mới, đế chế Trầm Bê chính thức kết thúc với việc những người trực tiếp liên quan tới ông trong ban lãnh đạo Sacombank rút lui để nhường chỗ cho ông chủ mới của ngân hàng là Dương Công Minh đến từ Him Lam cùng với một vài cán bộ đến từ Vietcombank đại diện cho NHNN.

Lên nắm quyền từ 30/6/2017, ông Dương Công Minh đã “thay máu” gần như toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao và bắt tay vào tái cấu trúc ngân hàng. Để thúc đẩy hoạt động, vấn đề con người được ông chủ của Him Lam coi trọng bằng những chính sách giữ chân người tài như thưởng nóng, tăng lương, rồi thưởng vượt lợi nhuận – vốn là xa xỉ với hệ thống ngân hàng hiện nay. Ông Minh cũng ráo riết với việc xử lý nợ xấu với việc hợp tác cùng VAMC để xử lý 20.000 tỷ nợ xấu ngay trong năm nay cùng niềm tin sẽ đưa ngân hàng thoát khỏi những ám ảnh nợ xấu chỉ trong vòng 3-5 năm tới.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Sacombank tuyên bố đã xử lý được khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu và lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra của cả năm.

Nay, với việc đề xuất với cổ đông thay đổi mã chứng khoán và đổi sàn niêm yết, dường như Dương Công Minh đang muốn xóa đi những hình ảnh cũ gắn với người chủ cũ của ngân hàng để xây dựng một hình ảnh mới với kỳ vọng vào vận mệnh mới tốt hơn cho cổ đông và ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top