Aa

Sacomreal đổi tên thành TTC Land: Bình yên liệu có đến nhờ cái tên mới?

Thứ Sáu, 30/03/2018 - 21:31

Từng được cho là một trong những thương hiệu nổi bật nhất của thị trường bất động sản những năm 2007, nhưng sau thời khủng hoảng, cái tên Sacomreal dần nhạt nhòa. Để rồi, tháng 3/2017, tại Đại hội cổ đông bất thường, các cổ đông của công ty này nhất trí thay đổi tên thương hiệu thành TTC Land.

Hơn một thập kỷ sóng gió

Sacomreal là thương hiệu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ 11 tỷ đồng. 14 năm thành lập và hoạt động của Sacomreal luôn nằm dưới cái bóng của Sacombank.

Sacomreal có 11 cổ đông sáng lập với 5 pháp nhân và 6 cá nhân. Cụ thể, 5 pháp nhân là Công đoàn Sacombank do Trần Lê Sinh làm đại diện với vốn góp 1,050 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông do Nguyễn Tấn Thành làm đại diện với vốn góp 400 triệu đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát do Huỳnh Phú Kiệt đại diện với vốn góp 400 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thành Thành Công do Huỳnh Bích Ngọc đại diện với vốn góp 400 triệu đồng, Sacombank do Lê Văn Bá đại diện với vốn góp 440 triệu đồng.

Sáu cá nhân tham gia góp vốn thành lập Sacomreal là Đặng Hồng Anh với 300 triệu đồng, Huỳnh Quế Hà 300 triệu đồng, Lê Văn Bá 300 triệu đồng, Lê Văn Tòng 20 triệu đồng, Nguyễn Văn Tân 90 triệu đồng, Trần Thị Hằng 300 triệu đồng.

Như vậy, Sacombank và những người liên quan của Sacombank đã góp tới 1,79 tỷ đồng để thành lập ra Sacomreal, chiếm 44,75% vốn điều lệ. Từ đó đến nay, hoạt động của Sacomreal luôn gắn liền với Sacombank.

Sau 1 năm thành lập, năm 2005, Sacomreal bắt đầu bước chân vào hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó chú trọng đầu tư vào kinh doanh nhà ở.

Tháng 6/2006, Sacomreal công bố sản phẩm Xây nhà trả góp trọn gói nhờ vào chính sách hỗ trợ vay trả góp dài hạn của Sacombank. Đây là cột mốc đánh dấu Sacomreal trở thành chủ đầu tư dự án.

Sacomreal đổi tên thành TTC Land với nhiều hoạt động mới

Sacomreal đổi tên thành TTC Land với nhiều hoạt động mới

Cuối năm 2006, Sacomreal đã vượt qua nhiều đối thủ để giành được hợp đồng phân phối các dự án lớn như Khu biệt thự Sealink Bình Thuận, căn hộ An Phú An Khánh quận 2, căn hộ Thu Duc House Trường Thọ, căn hộ Hoàng Anh River View quận 2, căn hộ New Sài Gòn quận 7... Đây là thời điểm khẳng định Sacomreal vươn mình trở thành ông lớn ở lĩnh vực môi giới, tạo tiền đề cho việc thành lập Sacomreal-S sau này.

Sacomreal chuyển mình trở thành “đại gia” trong làng bất động sản vào năm 2008. Tuy nhiên, hiệu quả thì trái ngược hẳn quy mô doanh nghiệp. Thời điểm này, Sacomreal đầu tư xây dựng các dự án như chung cư Hòa Bình ở quận Tân Phú, căn hộ Phú Lợi 1 ở quận 8, cao ốc văn phòng Sacomreal-Generalimex ở quận 1, Khu căn hộ cao cấp Belleza quận 7...

Tại ngày 31/12/2008, tổng tài sản của Sacomreal là 5.426 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn có 128 triệu đồng. Lợi nhuận hợp nhất của Sacomreal ở năm này bị âm gần 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Sacomreal là 114 triệu đồng và lợi nhuận hợp nhất là 53 triệu đồng.

Năm 2010, khi ông Đặng Hồng Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Sacomreal niêm yết 100 triệu cổ phiếu trên HNX. Vốn điều lệ của Sacomreal lúc niêm yết là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 năm thành lập, vốn điều lệ của Sacombank đã tăng gần 91 lần.

Ở thời điểm đó, Sacomreal là ngôi sao sáng trên thị trường địa ốc TP.HCM. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu SCR trên HNX là 26.100 đồng/cổ phiếu và nằm trong top 10 các công ty bất động sản có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán với 1.430 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.257 tỷ đồng và tổng tài sản lên đến 6.519 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế thì công ty này bắt đầu "đi xuống" từ những năm 2008. Việc "đi xuống" này được giới phân tích cho là đến từ cách quản trị của Sacomreal đang có vấn đề. Cụ thể, Sacomreal góp vốn vào hàng chục công ty con và công ty liên kết hoạt động trái với ngành nghề kinh doanh cốt lõi gần 300 tỷ đồng và đầu tư dài hạn khác hơn 551 tỷ đồng.

Chẳng hạn, Sacomreal góp 51 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Năng lượng Thương Tín, góp 30 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Du lịch Thương Tín, góp 50 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Duy Hưng, bỏ 25 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Hùng Anh, góp 200 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thương Tín Bảo Gia, bỏ gần 30 tỷ đồng và Trường THPT Tư thục Tân Phú…

Ở thời điểm 31/12/2008, tài sản ngắn hạn của Sacomreal lên tới 4.385 tỷ đồng nhưng tiền mặt chỉ có 74 tỷ đồng. So với đầu năm 2008, tài sản ngắn hạn của công ty này tăng gần gấp đôi, còn tiền mặt giảm gần 3 lần từ 201 tỷ đồng xuống còn 74 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của Sacomreal là hơn 4.000 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn là 2.744 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Sacomreal đã chi 1.511 tỷ đồng trả nợ gốc vay. Bù lại, Sacomreal được các tổ chức tín dụng và cá nhân cho vay lại 2.037 tỷ đồng.

Trong suốt chiều dài phát triển từ khi thành lập đến nay, nợ vay của Sacomreal luôn ở mức gấp 4 - 5 lần vốn chủ sở hữu và xấp xỉ tổng tài sản của công ty. Cụ thể, năm 2008, nợ phải trả của Sacomreal gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Tình hình tài chính của Sacomreal cũng thiếu lành mạnh khi đang chịu gánh nặng nợ vay lớn, danh mục đầu tư thiếu hiệu quả.

Đơn cử như từ 2011 - 2013 doanh thu và lợi nhuận của công ty đã sụt giảm mạnh. Cụ thể năm 2012, Sacomreal đặt mục tiêu doanh thu 1.403 tỷ đồng và 110 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả, Sacomreal chỉ đạt 45% kế hoạch doanh thu nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu lợi nhuận nhờ việc bán 17,3 triệu cổ phiếu STB của Sacombank để thu về 300 tỷ đồng.

Năm 2013, Sacomreal đặt kế hoạch doanh thu 1.149 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 61%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 92 tỷ đồng cũng chỉ đạt 61% kế hoạch. Năm 2013, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng ở Sacomreal cao một cách bất thường. Thêm vào đó, Sacomreal cũng phải chịu khoản thua lỗ gần 20 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết. Chính điều này đã khiến lợi nhuận của cổ đông Sacomreal tụt giảm mạnh dù doanh thu năm đó đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối năm 2013 của Sacomreal còn 2.954 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng cơ cấu tài sản ngắn hạn của công ty.

Đặc biệt, đến thời điểm thị trường bất động sản ấm lên vào năm 2014, nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt thì Sacomreal chỉ đạt doanh thu 692,8 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 62 tỷ đồng.

Đến năm 2016, Sacomreal đạt 774,6 tỷ đồng doanh thu, gấp gần 5 lần doanh thu đạt được năm 2015 nhưng cũng mới chỉ thực hiện được 53% kế hoạch cả năm. Doanh thu của Sacomreal chủ yếu đến từ chuyển nhượng bất động sản với gần 700 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản Sacomreal đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả 4.236 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 3.262 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần 2.170 tỷ đồng.

Tới năm 2017 mục tiêu mà lãnh đạo của Sacomreal đặt ra là doanh thu đạt 2.514 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 260 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức từ 7 - 10%. Tuy nhiên, đến hết hết năm 2017, Sacomreal không thể đạt được mục tiêu trên.

Đặc biệt, năm 2017, doanh nghiệp này còn khoản nợ lớn, tại thời điểm 30/9, Sacomreal đang có nợ ngắn hạn 4.821 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, tăng chủ yếu ở các hạng mục như người mua trả tiền trước, chi phí phải trả ngắn hạn, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn…

Đổi tên và câu chuyện đổi vận

Sau quãng thời gian làm ăn “bết bát”, Sacomreal quyết định thay đổi hàng loạt vị trí chủ chốt, đơn cử như ông Bùi Tiến Thắng lên làm Tổng Giám đốc. Tháng 3/2017, Đại hội cổ đông của Sacomreal diễn ra, một thông điệp mạnh nhất ở cuộc Đại hội cổ đông này đó là việc lấy ý kiến cổ đông về việc đổi tên thương hiệu sang TTC Land đã được các cổ đông thông qua với cái tên mới là TTC Land.

Sau khi thông qua cổ đông, mới đây Sacomreal phát đi thông báo cho biết nhân kỷ niệm 14 năm thành lập công ty (29/03/2004 – 29/03/2018), Sacomreal sẽ chính thức công bố thương hiệu mới.

Đặc biệt, không chỉ thay đổi tên mà ngay cả cơ cấu phát triển cũng được thay đổi. Theo đó, TTC Land sẽ thực hiện mô hình quản trị tập trung khi tiến hành xây dựng 5 “Tổng công ty ngành” tương ứng 5 ngành nghề khác nhau của TTC, trong đó bất động sản được xem là ngành chủ lực. Với mục tiêu phát triển dài hạn để cũng cố sức mạnh đồng thời phát huy tối đa nội lực của mình, hơn 10 công ty hoạt động trong ngành bất động sản thuộc TTC đã “hội tụ” về một mối dưới tên gọi mới TTC Land. Trong đó Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đóng vai trò “hạt nhân”.

Tổng Giám đốc TTC Land ông Bùi Tiến Thắng cho biết sự thay đổi lần này nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực và quy mô của công ty lên một tầm cao mới. Việc thay đổi tên thương hiệu không ảnh hưởng tới các giao dịch, quan hệ, nghĩa vụ kinh tế cũng như việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đây. TTC Land sẽ kế thừa tất cả những tinh hoa, giá trị của thương hiệu Sacomreal.

Trong đó, bên cạnh việc phát triển các dự án bất động sản dân dụng (nhà ở) như trước nay, TTC Land sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động trong nhóm ngành bất động sản như bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại – cho thuê, bất động sản khu công nghiệp - logictis và các dịch vụ bất động sản.

Đối với mảng bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, đây là lĩnh vực mới nhưng tương lai đầy hứa hẹn khi công ty sở hữu Khu phức hợp Vịnh Đầm (Phú Quốc). Dự án có quy mô lớn nhất nhì trên đảo (305ha), tọa lạc trên bãi biển tự nhiên rộng, có tầm nhìn hướng biển, nhìn ra vịnh biển. Vịnh Đầm là dự án phức hợp gồm: khu đô thị Cảng biển - Công nghiệp dịch vụ - Du lịch nghỉ dưỡng tại phía Nam đảo Phú Quốc.

Với mảng bất động sản thương mại – cho thuê, hiện nay TTC Land đang đưa Trung tâm thương mại (TTTM) TTC Plaza Tây Ninh vào hoạt động, đang thi công 2 dự án là TTC Plaza Bình Thạnh (TP.HCM), TTC Plaza Đức Trọng (Lâm Đồng) và trong năm 2018 sẽ triển khai thêm 2 dự án nữa là TTC Plaza Đà Nẵng và TTC Plaza Hải Phòng. Các dự án thương mại do TTC Land phát triển đều là những dự án có quy mô lớn và nằm ở những vị trí sầm uất của khu vực.

Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, thông qua các công ty thành viên, TTC Land sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1020ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha. Các khu công nghiệp đều nằm trong vùng trọng điểm Kinh tế phía Nam, hiện tỷ lệ lấp đầy của 2 khu công nghiệp trên đã đạt 60%.

Hiện nay về lĩnh vực dịch vụ bất động sản, công ty có 2 đơn vị gồm: TTC Land Services – Đơn vị tư vấn, phân phối các bất động sản với hơn 250 chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp và TTC Land Management – đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các bất động sản.

Với kinh nghiệm nhiều năm lích lũy được của hơn 1 thập kỷ phát triển, TTC Land Services và TTC Land Management đã trở thành các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Thắng, sau khi thu về một mối TTC Land sẽ có tổng tài sản gần 17.000 tỷ đồng, quỹ đất hơn 3.000ha đủ để TTC Land phát triển trong vòng 15 năm tới. Quy mô hoạt động không chỉ gói gọn tại khu vực phía Nam như trước đây mà TTC Land sẽ mở rộng hoạt động đầu tư của mình khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Theo giới phân thích, điều làm nên việc thay đổi thương hiệu này đến từ chuyện thay đổi nhân sự của Sacombank khi ông Dương Công Minh lên nắm quyền ở ngân hàng Sacombank, sau đó không lâu, Sacombank đã chính thức rút hết vốn khỏi Sacomreal, thông tin này cũng được phía Sacomreal xác nhận. Còn thông tin từ phía Sacombank thì sau khi rút vốn khỏi Sacomreal, phía Sacombank đã có văn bản gửi Sacomreal yêu cầu đổi tên để trả lại tên thương hiệu Sacom cho Sacombank. Điều này tạo ra việc Sacomreal phải thay đổi tên thương hiệu đã gắn với mình 14 năm.

Liệu chuyển đổi sang thương hiệu mới có giúp TTC Land “tỏa sáng” hay không vẫn là câu hỏi còn khuyết vế trả lời. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, việc TTC Land mong làm lại “cuộc đời” khi phát triển nhiều ngành nghề là rất khó bởi những ngành nghề này hiện vẫn được cho là miếng bánh khó ăn đối với doanh nghiệp Việt bởi rất ít doanh nghiệp thành công ở các phân khúc bất động sản ngoài nhà ở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top