Aa

"Sai phạm không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp"

Thứ Ba, 28/05/2019 - 06:00

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp.

Trong ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong giai đoạn qua và khẳng định việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trong đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.

Về đề xuất, kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị trên cơ sở kết quả giám sát.

công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại

Công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.

Đoàn giám sát cũng đề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai góp phần phát hiện, kiến nghị, xử lý các tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai tại đô thị. Giao Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình kiểm toán hàng năm, tăng cường bố trí kế hoạch kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử đụng đất đai đô thị.

Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).

Sai phạm không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp

Bày tỏ ý kiến về vấn đề trên, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho hay: "Tôi thống nhất kiến nghị của đoàn giám sát về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, nhưng tôi đề nghị các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư".

Bởi theo vị này, sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể vỗ tay bằng một bàn tay sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Do đó, đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị xử lý nghiêm đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm dù thuộc cơ quan nhà nước hay là doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) thừa nhận đang có không ít bất cập trong phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý xác định nhu cầu để sử dụng đất quy hoạch, kế hoạch cũng như trong quá trình xây dựng các công trình chưa thật chặt chẽ, thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm.

"Thực tế cho thấy nhiều nơi các cấp ngành, chính quyền địa phương còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, để phát sinh nhiều tiêu cực, xảy ra nhiều sai phạm, nhất là về cơi nơi, lấn chiếm, tranh chấp sử dụng đất đai không đúng mục đích. Thực hiện dự án treo kéo dài, kém hiệu quả, không tuân thủ quy hoạch được phê duyệt hoặc nhiều địa phương chưa thực hiện quy trình cấp sổ đỏ cho dân gây bức xúc cho người dân", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay.

Theo đó, một số khu vực đô thị đã có quy hoạch tổng thể đất đai từ lâu, nhưng vẫn thiếu quy hoạch chi tiết, gây khó khăn trong quá trình quản lý, song song với đó là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các quy định của chính sách, pháp luật về quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai.

Vị đại biểu này nhấn mạnh: "Đối với các công ty, doanh nghiệp, cá nhân thiếu tuân thủ pháp luật, báo cáo đã nêu, còn tư tưởng làm ăn chụp giật cố ý làm sai vì chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp thì cũng có không ít doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lấn chiến sử dụng đất công. Nhiều cơ quan đã tùy tiện cho doanh nghiệp thuê đất ở tại cơ quan mà chưa được sự cho phép của các cơ quan quản lý".

Những hạn chế đó đã gây ra bất bình trong dư luận xã hội, bất cập trong quản lý đất đai làm cho thất thoát tài sản đô thị, xuất hiện ẩn nấp nhiều sai phạm của tổ chức và cá nhân đặc biệt làm cho vấn đề khiếu nại, tố cáo gia tăng. 

Trước những thực tại ấy, vị đại biểu này đề xuất phải có nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Đồng thời, thu hồi những dự án có khả năng thực hiện đấu thầu công khai đảm bảo sự cạnh tranh trong việc xác định giá sử dụng đất và quyền sử dụng đất trong phát triển đô thị.

Các Ủy ban của Quốc hội cần kịp thời phát hiện các mâu thuẫn trong chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật để kiến nghị Quốc hội sớm, kịp thời xem xét, bổ sung điều chỉnh hành lang pháp lý, an toàn thống nhất. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top