Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Số lượng vi phạm giảm, hình thức vi phạm có chiều hướng phức tạp hóa?
Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, qua kiểm tra từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.
“Đến nay, đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 6 trường hợp; tự khắc phục 114 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp.
Đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng” - ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm, nhưng về hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Một số cá nhân, hộ gia đình cố tình vi phạm, số khác thì “lách luật” móc nối với cán bộ chính quyền địa phương “bật đèn xanh” để được xây dựng thêm những phần ngoài giấy phép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nhưng tập trung nhiều nhất ở một số quận trung tâm, như: Ba Đình, Hai Bà Trưng...
Cũng theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng, việc xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn TP chưa đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt vấn đề xử lý dứt điểm các công trình tồn đọng.
Theo đó, 40 công trình vi phạm tồn đọng từ giai đoạn 2015 - 2016 thì mới xử lý được 8 công trình (riêng từ đầu năm 2020 đến nay xử lý được 6 công trình), còn lại 32 công trình vẫn đang tiếp tục được xử lý, trong đó Hai Bà Trưng, Thanh Xuân mỗi quận 5 trường hợp; Ba Đình, Thanh Trì mỗi địa bàn 3 trường hợp...
Công ty Len Hà Đông - vi phạm cũ còn bỏ ngỏ?
237 trường hợp vi phạm mới đã được Thành phố Hà Nội ghi nhận và đang xử lý, thế nhưng những trường hợp vi phạm cũ, xảy ra từ lâu lại bị tồn đọng, chưa xử lý dứt điểm. Cụ thể tại Vạn Phúc, Hà Đông, việc Công ty Cổ phần Len Hà Đông được nhà nước giao đất làm văn phòng và sản xuất công nghiệp nhẹ, tuy nhiên lại cho một số đơn vị thuê trụ sở để kinh doanh thương mại đã được người dân phản ánh từ lâu.
Cụ thể, năm 2005, Công ty CP Len Hà Đông (có địa chỉ tại số 63 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 40.000 m2. Mục đích sử dụng làm trụ sở Công ty và sản xuất công nghiệp nhẹ.
Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay Công ty CP Len Hà Đông lại ngang nhiên xẻ đất để cho thuê. Cụ thể, tại mặt đường Vạn Phúc, Công ty CP Len Hà Đông đã cho nhiều đơn vị thuê làm cơ sở kinh doanh điện máy, siêu thị, nhà hàng…, hoạt động nhộn nhịp. Còn khu vực bên trong, Công ty cho các đơn vị thuê làm kho, xưởng.
Một người dân khu vực bày tỏ: “Nếu Công ty CP Len Hà Đông không sử dụng đến phần diện tích đất đó thì nên trả lại cho Nhà nước, đằng này lại đem cho doanh nghiệp khác thuê, sử dụng sai mục đích”.
Tại biên bản làm việc ngày 11/3/2020 giữa đại diện Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hà Đông, UBND phường Vạn Phúc và Công ty CP Len Hà Đông, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng, việc Công ty CP Len Hà Đông cho các đơn vị như: siêu thị Mediamart, siêu thị HC… thuê là chưa đúng. Bởi 2 đơn vị này đang sử dụng vào mục đích kinh doanh, thương mại chứ không phải văn phòng và sản xuất công nghiệp nhẹ.
Khảo sát thực tế tại địa chỉ số 63 Vạn Phúc, Hà Đông là hàng ngàn mét vuông đất đã được Công ty CP Len Hà Đông chia nhỏ để cho các đơn vị kinh doanh thuê mặt bằng. Nổi cộm có thể kể đến bao gồm: Siêu thị điện máy HC; lẩu 1 người Yeom Kyung Hwan; siêu thị Media Mart...
Trước thực tế trên, một câu hỏi được đặt ra rằng liệu Công ty CP Len Hà Đông có bất chấp pháp luật để thu lợi nhuận riêng? Số tiền cho thuê có được kiểm soát hay không? Đáng nói là tại sao UBND quận Hà Đông nói riêng và UBND TP Hà Nội nói chung lại không có chế tài xử lý dứt điểm vi phạm tại khu vực này?
Rõ ràng, số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm theo từng năm là một tín hiệu đáng mừng, thế nhưng các sai phạm lớn như tại Công ty CP Len Hà Đông, vốn được người dân đặc biệt quan tâm lại bị bỏ ngỏ. Cần lưu ý rằng, 237 trường hợp mới phát sinh khi không thể xử lý hết trong năm 2020 sẽ phải đẩy sang năm 2021, và trong năm 2021 lại không thể biết được con số vi phạm TTXD mới sẽ là bao nhiêu. Việc "cộng dồn" các sai phạm tồn đọng qua các năm khiến cơ quan chức năng lâm vào tình trạng "xử lý không kịp", dẫn đến việc xuất hiện những vi phạm lâu năm, thậm chí hàng chục năm mà không bị sờ gáy hoặc chỉ xử lý qua loa, khó dứt điểm.
Có thể nói, vụ việc Công ty CP Len Hà Đông sử dụng đất sai mục đích là điển hình cho loại sai phạm bị "bỏ quên" mà không bị xử lý, đồng thời một minh chứng cho thấy sự yếu kém trong công tác xử lý vi phạm TTXD của chính quyền quận Hà Đông.