Aa

Kỳ 2: Sai phạm tràn lan ở doanh nghiệp khai thác mỏ đá

Thứ Sáu, 25/03/2022 - 15:30

Nhiều mỏ đá ở huyện Núi Thành tổ chức khai thác không đúng thiết kế được duyệt, khai thác ồ ạt vượt quá trữ lượng, không phân tầng khi khai thác để lại nhiều đá om, đá treo, không đảm bảo an toàn lao động…

Ngoài ra, có nhiều mỏ khai thác vượt ra ngoài phạm vi cấp phép. Không tuân thủ các quy định về kỹ thuật khai thác... đang diễn ra tràn lan, để lại nhiều hệ lụy khó lường, gây nhức nhối về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Một số khu vực không tuân thủ kỹ thuật cắt tầng, không đảm bảo độ nghiêng tại mỏ Tây Hòa Vân.

Doanh nghiệp khai thác vượt quá phạm vi cấp phép?

Mỏ đá Tây Hòa Vân (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành) nằm song song với QL 1A và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đây là khu vực có trữ lượng đá rất lớn được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác từ năm 1998 (theo Quyết định số 2386/QĐ-UB ngày 8/12/1998). Đến nay đã trải qua 3 lần được gia hạn giấy phép khai thác. Cụ thể, gia hạn lần thứ nhất vào ngày 14/4/2003 theo Quyết định số 1398/QĐ-UB; gia hạn lần thứ 2 vào ngày 4/6/2008 theo Quyết định số 1878/QĐ-UB; đến ngày 4/7/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 2087/QĐ-UBND về việc gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất (lần 3) tại mỏ đá Tây Hòa Vân. Theo quyết định này, Công ty TNHH Rạng Đông được phép tiếp tục khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất là 13,34ha (thuộc mỏ đá Tây Hòa Vân) với trữ lượng đá còn lại là 5.384.279m3, công suất khai thác 80.000m3/năm, thời hạn khai thác và thuê đất đến hết tháng 4/2023.

Khu vực khai thác (theo giấy phép gia hạn lần 3) cấp phép cho Công ty TNHH Rạng Đông được giới hạn bởi các điểm góc khép kín từ 1 đến 6 hệ toạ độ VN 2000, kinh tuyến trục 107045 múi chiếu 30 xác định theo Phụ lục số 1 và Bản đồ khu vực gia hạn khai thác khoáng sản tỷ lệ 1/2.000: điểm góc 1 (1701.541, 602.003); điểm góc 2 (1701.545, 602.223); điểm góc 3 (1701.225, 602.228); điểm góc 4 (1701.224, 602.188); điểm góc 5 (1700.874, 602.193); điểm góc 6 (1700.872, 602.013).

Bản đồ cấp phép khai thác và hiện trạng khai thác tại mỏ đá Tây Hòa Vân (2 khu vực được viền đỏ đậm là khu vực khai thác ngoài diện tích được cấp phép)

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Reatimes, tại mỏ đá Tây Hòa Vân, Công ty TNHH Rạng Đông đã có dấu hiệu khai thác vượt quá phạm vi được cấp phép. Theo đó, từ điểm góc 1 đến điểm góc 2, khu vực khai thác vượt quá phạm vi cấp phép có diện tích khoảng 6.900m2; từ điểm góc 1 đến điểm góc 6, khu vực khai thác vượt quá phạm vi cấp phép có diện tích khoảng 5.700m2. Tổng cộng, diện tích khai thác vượt quá phạm vi được cấp phép khoảng 12.600m2.

Việc khai thác vượt quá phạm vi cấp phép sẽ dẫn đến vượt quá trữ lượng, công suất khai thác; ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân từ hoạt động khai thác ngoài phạm vi cấp phép (như nổ mìn, tăng lượng bụi…); thay đổi hiện trạng của khu vực dẫn đến nhiều bất cập trong công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường sau khi hết phép khai thác; thất thu thuế…

Nguy hiểm từ việc không tuân thủ kỹ thuật khai thác

Một số mỏ đá tại khu vực xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) không tuân thủ hoặc một phần không tuân thủ kỹ thuật khai thác, không phân tầng khai thác, góc nghiêng bờ moong khai thác chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động trong mỏ.

Mỏ đá Tây Hòa Vân do Công ty TNHH Rạng Đông khai thác.
Khai thác đá không tuân thủ tuần tự từ trên xuống dưới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Đá treo, đá ôm chưa xử lý có thể gây ra mất an toàn lao động.

Thông tư số 20/2009/TT-BCT ngày 7/7/2009 của Bộ Công thương quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên: Khi khai thác đá bằng phương pháp lộ thiên phải dùng phương pháp cắt tầng và khai thác tuần tự từ trên xuống dưới. Không được khai thác theo kiểu cắt chân hoặc khoét hàm ếch.

Nhưng tại nhiều mỏ đá đang hoạt động ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, trong đó có cả mỏ đá Tây Hòa Vân của Công ty TNHH Rạng Đông, nhiều khu vực có dấu hiệu không được phân tầng khai thác hoặc phân tầng khai thác không theo đúng kỹ thuật khai thác tầng và lớp cắt tầng nhỏ. Việc cắt tầng khai thác không đúng (thẳng đứng), không theo góc nghiêng sẽ để lại một số đá treo, đá ôm chưa xử lý có thể gây ra mất an toàn lao động, có thể gây ra tai nạn cho người và thiệt hại về tài sản hoặc gây ách tắc trong sản xuất. Chính vì yếu tố chủ quan không phân tầng đúng theo quy chuẩn của các chủ mỏ sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường một khi xảy ra sự cố.

Tình trạng không phân tầng khai thác, không đảm bảo độ nghiêng khá phổ biến tại một số mỏ đá trên địa bàn xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành.

Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động do việc không chấp hành đúng quy định kỹ thuật khai thác tại một số mỏ đá trên cả nước. Mặc dù đó được xem là những hồi chuông cảnh báo cho các mỏ đá còn lại, nhưng có vẻ nhiều chủ mỏ vì lợi nhuận, nên không chú trọng đến vấn đề này. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc kiểm tra và xử lý răn đe về hành vi không tuân thủ các quy chuẩn, quy định về khai thác và đảm bảo an toàn lao động của các chủ mỏ.

Cùng với đó, việc không tuân thủ theo thiết kế kỹ thuật trong khai thác đá kèm theo việc nổ mìn có thể sẽ gây ra chấn động và sóng xung kích trong không khí khi nổ mìn, ảnh hưởng đến tính mạng người dân cũng như có nguy cơ làm rung chấn, ảnh hưởng đến tuyến đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn chạy ngang qua các mỏ đá đang khai thác hiện nay, do các mỏ nằm ngay sát đường cao tốc và các hầm chui dẫn qua các mỏ.

Thật khó để chấp nhận việc mỏ đá Tây Hòa Vân thuộc Công ty TNHH Rạng Đông ngang nhiên khai thác đá trái quy định trong suốt thời gian qua. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để tránh thất thoát nguồn tài nguyên, khoáng sản và sớm xử lý những hậu quả, hệ lụy từ việc khai thác không đúng quy định như Reatimes đã nêu…

 Xử phạt ra sao đối với hành vi khai thác ngoài diện tích?

Đối với hành vi vi phạm khai thác vượt ra ngoài diện tích dược UBND tỉnh cấp phép thì sẽ áp dụng theo điểm a, khoản 6, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra còn phải áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 9 - 12 tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 6; buộc cải tạo, khắc phục môi trường và áp dụng các giải pháp để đưa khu vực khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép về trạng thái an toàn; buộc phải nộp lại số lợi bất chính do hành vi vi phạm gây ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top