Aa

Sân bay Long Thành bị chê đắt đỏ, Chính phủ giải trình câu hỏi "nóng"

Chủ Nhật, 24/11/2019 - 15:00

Chính phủ vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, Chính phủ giải trình nhiều vấn đề “nóng” được các đại biểu thảo luận.

Sân bay Long Thành có đắt hơn các sân bay cùng loại?

Thảo luận tại nghị trường, một số đại biểu Quốc hội cho rằng vốn đầu tư sân bay Long Thành 16 tỷ USD là “đắt đỏ” so với các sân bay cùng loại.

Theo đó, cần so sánh tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành với 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư 11,5 tỷ USD; sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD.

Giải trình vấn đề này, Chính phủ cho biết trong số 16 tỷ USD của Cảng hàng không Long Thành, thì tổng mức đầu tư cho phần xây dựng hạ tầng khoảng 15,05 tỷ USD.

Sân bay Long Thành 16 tỷ USD: 2021 khởi công nếu được Quốc hội thông qua

So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới.

Cụ thể:

Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng - Trung Quốc (xây dựng năm 2014 vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD (tại thời điểm hoàn thành), công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách.

Cảng hàng không Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (xây dựng năm 2015 vận hành khai thác năm 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 13,33 tỷ USD/100 triệu hành khách (tính tại thời điểm 2015, do đó tính trượt giá đến thời điểm hiện nay là khoảng 14,59 tỷ USD/100 triệu hành khách).

Còn tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá theo quy định) giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 4,7 tỷ USD.

So sánh quốc tế, Chính phủ khẳng định: Với suất đầu tư hơn 4,7 tỷ USD/25 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới.

Ví dụ, Dự án sân bay Frankfurt - Đức giai đoạn 3 (khởi công tháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Incheon - Hàn Quốc giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách.

Chính phủ cho rằng: Sự so sánh này chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Do cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, phạm vi công việc thực hiện, thời điểm đầu tư, công nghệ áp dụng, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.

Sân bay Long Thành có cần tới 5.000ha đất?

Theo Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi (Pre-FS) đã được Quốc hội thông qua, cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích là 5.000ha đất, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Có ý kiến cho rằng diện tích này là quá lớn nếu so với các sân bay khác.

Theo Chính phủ, việc chỉ đưa ra một số chỉ tiêu để so sánh về quy mô sử dụng đất của Long Thành với một số cảng hàng không trên thế giới là “chưa hoàn toàn phù hợp” vì chưa đủ các thông tin như: công suất khai thác hàng hóa, các công trình phụ trợ dịch vụ thương mại, hay mức dịch vụ của cảng hàng không...

Cụ thể, Cảng hàng không Heathrow (Anh) hiện tại với diện tích khoảng 1.200ha, khai thác 80 triệu hành khách/năm là sân bay cũ đã được phát triển mở rộng qua nhiều giai đoạn với nhà ga hành khách đầu tiên từ năm 1968 và hiện tại chỉ khai thác được công suất hàng hóa là 1,7 triệu tấn/năm và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng để nâng công suất hàng hóa. Việc mở rộng vẫn rất hạn chế do phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng các khu dân cư, công nghiệp lân cận.

Cảng hàng không Sydney ở Masot (Úc) bắt đầu hoạt động từ những năm 1970 với diện tích khoảng 900ha; hiện khai thác với công suất 44 triệu hành khách/năm và 400.000 tấn hàng hóa/năm.

“Công suất được đại biểu Quốc hội đề cập 74 triệu hành khách/năm là công suất quy hoạch phát triển mở rộng năm 2033”, Chính phủ nêu rõ sự nhầm lẫn của một số đại biểu Quốc hội.

Cảng hàng không Bắc Kinh diện tích 1.480ha với công suất 85 triệu hành khách/năm là sân bay cũ, hiện đã quá tải do hạn chế về cơ sở hạ tầng. Hiện tại Trung Quốc đã xây dựng một cảng hàng không mới là Đại Hưng với tổng diện tích đất khoảng 4.700ha, công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm là tương đương với quy mô sử dụng đất của cảng hàng không quốc tế Long Thành.

3 sân bay trong bán kính 30km: Việt Nam không phải ngoại lệ

Một số ý kiến đề nghị rà soát sự giao cắt vùng hoạt động bay giữa các sân bay: cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cả 3 sân bay nằm trong bán kính 30km.

Chính phủ cho rằng: Cảng hàng không quốc tế Long Thành cách sân bay Biên Hòa khoảng 30km, cách cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43km, khoảng cách giữa Tân Sơn Nhất tới sân bay Biên Hòa khoảng 25km.

“Trên thế giới và tại Việt Nam, việc có từ hai sân bay trở lên nằm gần nhau trong bán kính 50km không phải ngoại lệ”, Chính phủ nhận định.

Ví dụ: sân bay Nội Bài cách sân bay Gia Lâm 18km, sân bay Changi cách sân bay quân sự Paya Lebar 8km; tại Bangkok, sân bay Don Muong cách sân bay Suvarnabhumi 25km... Các sân bay này đều sử dụng chung vùng trời cho các hoạt động bay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top