Aa

Sân của thi ca Việt Nam

Thứ Năm, 21/02/2019 - 19:01

Ngày rằm tháng giêng, Hà Nội có một sân thơ thật ý nghĩa và giá trị, đúng như lời chào của các nhà thơ Việt Nam đón các bạn thơ, các nhà thơ quốc tế ở sân thơ Việt Nam: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/người với người sống để yêu nhau”.

Nhà thơ Anh Ngọc mở đầu sân thơ với trích đoạn trường ca

Nhà thơ Anh Ngọc mở đầu sân thơ với trích đoạn trường ca "Sông núi trên vai"

Tết Nguyên tiêu ở Việt Nam năm nay có một cây cầu kết nối những nhà thơ trên thế giới từ 43 nước với gần hai trăm nhà thơ của nhiều châu lục đã đọc thơ và nghe thơ tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Thơ ca không có biên giới, đã đến từ trái tim , ánh mắt và nụ cười, không kể màu da hay sắc áo. Tất cả đều lắng nghe nhau đọc và lặng im. Đó là sân thơ, đó là lễ hội, nơi đây Văn Miếu tràn ngập cờ hoa, nơi xung quanh hồ Văn tôn vinh những gương mặt nhà thơ khắp cả nước Việt và tôn vinh những nhà thơ quốc tế để người Việt Nam biết đến các nhà thơ, và các nhà thơ quốc tế cũng biết đến tên tuổi nhà thơ Việt Nam cả trong chiến tranh và trong hòa bình.

Mấy năm trước đây, Văn Miếu vẫn giữ sân thơ truyền thống ở phía sân trước, sân thơ trẻ ở phía sân sau nơi thờ Khổng Tử. Riêng năm nay thì ngược lại, sân Thái Miếu dành cho các nhà thơ trẻ với chủ đề “ Mở đường bay phía trước”. Mười nhà thơ trẻ Việt Nam có sự tham gia của các nhà thơ quốc tế như Thụy Điển, Mỹ, Đức, Nhật Bản Philippin… cùng tham dự. Ngoài một sân khấu thơ trình diễn, góc sân thơ trẻ có hẳn một quán nhỏ để bói thơ; một quán nhỏ kẹo lạc và bỏng ngô, và cả một sân chữ, đó là tác phẩm văn học của các nhà thơ trẻ. Cách hồ Văn không xa là không gian mở, với nhiều hình ảnh đẹp, trang trọng hiện diện chân dung tác giả nhà thơ và tác phẩm, nguyên quán, tổ quốc, là nơi giới thiệu nhà thơ Việt Nam với các nhà thơ quốc tế. Và các nhà thơ quốc tế với nhân dân Việt Nam.

Trong một không gian văn hóa rất đẹp của ngày thơ Văn Miếu, nơi vừa ngoảnh lại vẻ cổ kính, vừa có nét đẹp hiện đại của thơ ca Việt đương đại chào đón các bạn quốc tế đến với đất nước Việt Nam chúng ta. Phía hồ Văn hoa súng nở đầy hoa. Ở phía sân sau của Văn Miếu là sân thơ truyền thống với chủ đề: “Sông núi trên vai”. Những nhà thơ quốc tế và Việt Nam đọc thơ vào ngày có mưa phùn đủ ấm cho mùa xuân ở Hà Nội. Trong không gian này sự gặp gỡ thân thiết của các nhà thơ quốc tế thật nồng ấm. Nhà thơ Laura Garavaglia (Italia) đã tâm sự rằng, lần đầu tiên nhà thơ đặt chân đến đất nước Việt Nam: “Tôi có cảm giác thật ấm áp như ở tại ngôi nhà của mình, trước đây tôi chỉ biết Việt Nam qua cách đọc tác phẩm văn học của nhà văn Kim Thúy, tôi cũng được biết đến xôi gấc Hà Nội, và nhiều món ăn ẩm thực tinh tế mà chỉ qua trang sách. Giờ thì tôi đã nhìn thấy và được đến nơi xứ sở của xôi gấc Hà Nội, tươi đẹp và đổi thay đáng ngạc nhiên. Ngày mai tôi còn được ra Vịnh Hạ Long, tới Vịnh, và bờ biển đẹp của đất nước các bạn”.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là sự kiện “ba trong một” với nhiều hoạt động diễn ra tại 3 tỉnh, thành phố.

Gần hai trăm nhà thơ của nhiều châu lục đã đọc thơ và nghe thơ tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Đi lại và bồn chồn chẳng thể nào yên, khi nhà thơ Winston Farrell ở đất nước (Barbodia), ông cũng lần đầu biết đến văn học Việt Nam, tổ quốc Việt Nam, nhà thơ da màu đã tâm sự: “Tôi đã đi hai ngày, qua nhiều chặng mới đến được Việt Nam để gặp gỡ các bạn, dù rất mệt nhưng rất đặc biệt, vui mừng vì tuyệt quá, được dự liên hoan thơ, như dự bữa tiệc thơ rất ý nghĩa với tôi”.

Nhà thơ và là nhà toán học Halmosi Sánsdor (Hunggary) cũng vậy, đây là lần đầu được đặt chân đến Việt Nam, anh cũng mới khoe : “Tôi đã mê phở của Hà Nội, hôm qua tôi đã ăn hai tô phở bò cơ đấy”. Tôi nhắc bạn ở Hà Nội chúng tôi gọi là hai bát phở, không gọi là tô, và cùng nhau cười. Tôi cũng giới thiệu với các bạn, nếu đến Hạ Long bạn sẽ được thưởng thức chả mực ngon nức tiếng và bánh cuốn trứng Hạ Long cũng ngon tuyệt; tôi khoe với nhà thơ người Hunggary về nghệ thuật ẩm thực của đất nước tôi.

Còn nhà thơ Thi Đa Chăn (người Lào) chị hẹn với tôi: “Trước khi về Viên Chăn, em sẽ đến nhà chị để ăn bún ốc được không, bún ốc nguội lần trước em được ăn ngon, còn nhớ chưa quên”. Thi Đa Chăn đã từng sống và học tập nhiều năm ở Việt Nam, chị đọc tham luận và chào Việt Nam bằng tiếng Việt Nam, chị từng nói Việt Nam là quê hương thứ hai của cuộc đời chị, nơi dành cho chị tình yêu đầu tiên và sau này chị mới trở về Lào để sống với gia đình thật hạnh phúc. Với Thi Đa Chăn, bún ốc, bún nem, bún thang Việt Nam đều ngon, nhưng bún ốc kỳ công phải đun bằng nước mưa với dấm bỗng nếp mới dậy hương thơm và ngọt mát.

Nhà thơ KuSum (Ấn Độ) thì chỉ cười và thích trở lại Hạ Long; Ku Sum vốn ăn chay trường nên không nói chuyện về ẩm thực mà chỉ thú vị khi nói về lịch sử văn hóa, không chỉ riêng di tích Văn Miếu, cố đô Huế, và ngôi chùa cổ tự Phổ Quang ở Đà Nẵng mà chị đã đặt chân đến. Đất nước của các bạn tuyệt đẹp, Ku Sum nói với tôi đã ước mơ luôn mong ước được trở lại Việt Nam nhiều lần.

Còn nhà thơ Prava Samantaray, tôi hay gọi em là Rây (Ấn Độ) luôn ríu rít, sung sướng khi trở lại Việt Nam, em đã giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và mơ ước thơ ca của Việt Nam sẽ giới thiệu tại Ấn Độ. Vào mùa xuân, cách đây 5 năm tôi cũng từng đi dự liên hoan thơ quốc tế tại Kolkata, Ấn Độ, chúng tôi quen nhau ở Kolkata, thưởng thức các bữa tiệc thơ ở Ấn Độ rất ấm áp tình người, nhưng cách tổ chức nhỏ hẹp, khiêm tốn. Và ông Geteesh Sharma (nguyên chủ tịch ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam) đã luôn ân cần giúp đỡ đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm thú các điểm văn hóa và nơi đặt tượng Bác Hồ tại Kolkata.

Dù vậy chúng tôi cũng hiểu ra cách tổ chức Liên hoan thơ quốc tế ở nước Ấn rất khiêm tốn; cũng như ở đất nước Lào, hay Cam Pu Chia… trong các cuộc trao giải thưởng Văn học sông Mê Kong mà tôi đã từng tham dự, được chính kiến, mới ngẫm ở Hội nhà Văn Việt Nam nước mình đã làm được nhiều việc lớn, có ý nghĩa, đó là cách chuyển tải thông điệp từ tác phẩm thơ ca, nhạc, họa, cách giới thiệu tác giả nhà thơ học giả quốc tế vô cùng trang trọng và đầy ẩn tượng. Mới thấy Việt Nam mình hiếu khách, thân thiện và cởi mở; đồng thời cũng giới thiệu văn hóa Việt Nam đi ra các châu lục, không chỉ có thơ ca Việt, ẩm thực Việt và các danh thắng nước non vùng bắc bộ để bạn bè quốc tế hiểu biết rộng hơn về tổ quốc chúng ta.

Có rất nhiều những cảm xúc của nhà thơ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Đức, Thụy Điển, Nga, Nhật Bản, Thái Lan… mỗi dân tộc đều có một vẻ đẹp khác, nhưng thi ca thật kỳ diệu, khi đọc thơ cho nhau nghe, họ ca ngợi Việt Nam con người của xứ sở nhiệt đới với tiếng lòng sâu thẳm của trái tim đến với trái tim. Sân thơ Văn Miếu đã vang lên nhiều ngôn ngữ thơ trên thế giới, đằm thắm hồn người, đó là giá trị văn hóa đọng lại ngân rung của thơ, vì “chỉ có thơ làm lẽ phải thầm lặng” - thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Ngày rằm tháng giêng, Hà Nội có một sân thơ thật ý nghĩa và giá trị, đúng như lời chào của các nhà thơ Việt Nam đón các bạn thơ, các nhà thơ quốc tế ở sân thơ Việt Nam: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/người với người sống để yêu nhau”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top