Trái ngược với những kịch bản được đưa ra vào thời điểm cuối năm 2020, sau một làn sóng bùng nổ giao dịch và như chiếc lò xò bị nén, thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các kịch bản lạc quan về thị trường bất động sản sẽ thay đổi khi tình hình dịch bệnh đang trở nên căng thẳng. Doanh nghiệp khó bán hàng, trong khi đó, nhà đầu tư hình thành tâm lý e ngại. Vị chuyên gia này dự báo, các nhà đầu tư cá nhân sẽ thận trọng hơn trong việc bỏ vốn.
Ở góc độ thị trường, ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc nhận định, giá bất động sản 2021 sẽ giữ ở mức độ cân bằng với năm 2020. Bất động sản có xu hướng tăng lên do nhu cầu đầu tư, cũng như nhu cầu thực vẫn rất tiềm năng. Giá bất động sản sẽ ở xu hướng tăng nhẹ.
Theo ông Phan Viên, Giám đốc Công ty địa ốc tại Hà Đông (Hà Nội), dịch bệnh chỉ khiến các nhà đầu tư luôn trong tâm thế tìm hàng đẹp để xuống tiền. Covid-19 không làm giá bất động sản sụt giảm mà còn đẩy giá tăng cao. Điều này có thể nhìn thấy rõ ràng từ diễn biến của thị trường trong đợt dịch bệnh năm 2020. Ngay sau khi Covid-19 được kiểm soát, giá bất động sản lại tăng mạnh. Đó là lý do khiến các nhà đầu tư càng tin rằng, biến động của nền kinh tế khiến họ kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng và đây chính là kênh trú ẩn an toàn.
Phân tích sâu hơn về sự biến động của giá bất động sản trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh cho rằng, đại dịch đã quay lại những ngày sát Tết Tân Sửu với nhiều chủng virus mới, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân trong tháng 2/2021. Thông tin này đã khiến giới đầu tư trở nên quan ngại hơn tới tình trạng của kinh tế, song theo ông Chánh, giá bất động sản sẽ khó có thể quay đầu giảm, ít nhất cho đến quý II/2021.
CEO Phú Vinh phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm dù đợt dịch mới bùng lại vào đầu năm Tân Sửu. Đầu tiên, lãi suất tiền gửi đang được giữ ở mức thấp kỷ lục nên dòng tiền sẽ chảy sang các kênh tài sản hoặc đầu tư tài chính liên thông như bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó, xu hướng tiền rẻ được Cục dự trữ liên bang Mỹ cam kết giữ ít nhất trong 3 - 4 năm tới cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi. Xu hướng tiền rẻ này cũng tác động đến thị trường Việt Nam, khiến người dân nỗ lực tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn.
Ở góc độ thận trọng hơn, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, triển vọng kinh tế năm 2021 là khả quan hơn 2020 với những yếu tố mới, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu năm 2021, chắc chắn nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ gặp khó về dòng tiền hơn so với đầu năm 2020.
“Đơn giản vì đầu năm 2020 doanh nghiệp chưa gặp khó khăn do dịch bệnh, và họ được một mùa kinh doanh - tiêu dùng trước Tết sung sức, cũng như những ngày đầu xuân với dòng tiền du lịch của du khách các nơi đem vào Việt Nam để lan tỏa ra. Còn đầu năm 2021, doanh nghiệp đã phải trải qua hơn 10 tháng gặp khó vì dịch, không có một mùa kinh doanh Tết như mọi năm. Do vậy, doanh nghiệp đang phải giữ tiền để chiến đấu...”, ông Hiển phân tích.
Liên quan đến câu chuyện đầu tư, ông Hiển đưa ra lời khuyên rằng, trừ khi gặp duyên, có bất động sản "đẹp" tức đất vị trí đẹp, ở khu có dân cư, nhà đầu tư hãy xuống tiền. Còn không, dù lãi suất tiết kiệm không cao, nhà đầu tư vẫn nên yên tâm thủ tiền lấy lãi chừng kỳ hạn 6 tháng, rồi quyết định các giao dịch, theo đó cũng không chậm chân. Nhà đầu tư có thể “săn” đất trong tâm thế "dĩ dật đãi lao", không nên hấp tấp.