Aa

Sản lượng tăng trở lại, doanh nghiệp thép lãi đột biến quý III

Thứ Sáu, 23/10/2020 - 06:30

Sản lượng sản xuất và bán hàng thép các loại trong quý III/2020 tăng lần lượt 11,3% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng và giá nguyên liệu cùng hồi phục

Theo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), quý III ghi nhận sự bứt phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại sau nửa đầu năm chậm lại do ảnh hưởng dịch bệnh. Cụ thể, sản xuất các loại thép đạt 6,9 triệu tấn, tăng 11,3%; bán hàng đạt 6,17 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu tăng mạnh gần 30% đạt 1,34 triệu tấn, trong khi nửa đầu năm giảm 24,6%.

Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thép đã ghi nhận 4 tháng liên tiếp tăng kể từ tháng 6.

Nhờ vậy, lũy kế 9 tháng, sản xuất sản phẩm thép còn giảm 1,7% đạt 18,5 triệu tấn, bán hàng giảm 4,3% còn 16,57 triệu tấn và xuất khẩu giảm 8,6% còn 3,2 triệu tấn. VSA nhận định, sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu sẽ càng khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm.

Đơn vị: triệu tấn

Đi cùng với nhu cầu hồi phục trở lại trên thế giới thì khiến giá nguyên liệu thép tăng trở lại. Giá quặng sắt ngày 8/10 giao dịch ở mức 122 - 125 USD/tấn, tăng 49% so với các tháng đầu năm và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Giá cuộn cán nóng HRC ở mức 502 - 505 USD/tấn, tăng 25,8% so với vùng giá 400 USD/tấn thời điểm đầu năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá thép phế liệu ở mức 302 USD/tấn, cùng tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước và các tháng đầu năm.

Nguồn: VSA

Theo VSA, hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11 - 11,05 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng mạnh do các doanh nghiệp trong ngành có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng.

Lãi đột biến

Sản lượng tăng trở lại đã giúp các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh bất chấp giá nguyên vật liệu hồi phục. Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo doanh thu quý III đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 62,7% và lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị lập kỷ lục mới về lợi nhuận tính theo quý.

Đơn vị: tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng, doanh thu Hòa Phát đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2019. Doanh nghiệp cho biết lĩnh vực sắt thép và nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đà tăng trưởng. 9 tháng, Hòa Phát tiêu thụ 4 triệu tấn thép thô, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi hoạt động nông nghiệp đem về doanh thu 7.800 tỷ đồng và lợi nhuận 1.326 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và gấp gần 7 lần cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố sản lượng tiêu thụ và doanh thu quý IV niên độ tài chính 2019 - 2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9) ghi nhận mức tăng lần lượt 46% và 31% trong khi các quý trước giảm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ước đạt 400 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ niên độ trước và là mức cao nhất tính từ quý II niên độ 2016 - 2017.

Đơn vị: tỷ đồng

Lũy kế cả niên độ, sản lượng tiêu thụ tập đoàn ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 27.538 tỷ đồng, giảm gần 2% và hoàn thành 98,4% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần so với kế hoạch.

Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) công bố BCTC hợp nhất quý III với lãi sau thuế đạt 100 tỷ đồng, gấp 2,8 cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi theo quý cao nhất từ quý I/2017. Doanh thu trong quý giảm 2,5% nhưng giá vốn giảm mạnh hơn 5,6% giúp lãi gộp tăng 136% đạt 218 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận tăng mạnh nhờ hoạt động sản xuất, gia công phát triển, năng xuất và sản lượng tiêu thụ tăng mạnh. Đồng thời, đơn vị sử dụng vốn tiết kiệm, mua hàng hợp lý và dự trữ tốt, quay vòng vốn nhanh. Giá nguyên liệu tăng đều và ổn định ở mức cao, thuận lợi cho tìm kiếm thêm lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 13% xuống 11.257 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 41% lên 156 tỷ đồng. Công ty thực hiện 74% kế hoạch doanh thu và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận.

Chuyển lỗ thành lãi hoặc giảm lỗ

Thép Việt Ý (HoSE: VIS) thông tin, quý III nhu cầu trên thị trường tăng mạnh, nhà máy phôi thép Hải Phòng đã tăng sản lượng sản xuất để vừa đảm bảo cung cấp phôi thép cho nhà máy cán Hưng Yên, vừa cung cấp phôi thép ra thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật làm giảm chi phí sản xuất, tạo ra được một khoản lợi nhuận từ hoạt động bán phôi ra bên ngoài và làm giảm giá thành sản phẩm phôi thép cung cấp cho nhà máy cán Hưng Yên, góp phần gia tăng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép.

Do vậy, doanh thu quý III của Thép Việt Ý tăng 6% đạt 1.151 tỷ đồng; lãi sau thuế 26,7 tỷ đồng, cải thiện so con số lỗ 75,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp có lãi sau chuỗi 8 quý liên tiếp thua lỗ.

Nhờ đó, lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp có lãi 10,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 141 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Gang thép Cao Bằng (UPCoM: CBI) báo cáo quý III có lãi 2,6 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 11 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp lãi 17 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 89 tỷ đồng.

Doanh thu Gang thép Cao Bằng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng giá thành sản xuất phôi thép giảm đã giúp lợi nhuận cải thiện. Cụ thể, giá thành sản xuất quý III là 8,5 triệu đồng/tấn, giảm 14% so với quý III/2019; lũy kế 9 tháng giá thành giảm 19%, ở mức 8,44 triệu đồng/tấn.

Quý III, Thép Đà Nẵng (UPCoM: DNS) ghi nhận doanh thu tăng 35,7% đạt 300 tỷ đồng giúp giảm lỗ từ 13,7 tỷ đồng còn 3,2 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 0,6% lên 4,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top