Chính thức niêm yết Chứng quyền có đảm bảo từ ngày 28/6
Tại hội thảo triển khai Chứng quyền có bảo đảm vừa diễn ra sáng 24/6, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm, ngoài việc chính thức vận hành nhiều sản phẩm mới, Uỷ ban chứng khoán còn tập trung vào Luật Chứng khoán sửa đổi; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn đang chậm từ năm 2018 đến nay.
Đánh giá thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm (so với thời điểm cuối năm 2018), ông Sơn cho biết, thị trường chứng khoán giữ mức tăng trưởng tốt.
Diễn biến chỉ số VN-Index so với cuối 2018 tăng trên 6%, HNX-Index giảm 0,6%. Mức vốn hoá thị trường 4,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối 2018, tương 77,9% GDP 2018. Quy mô giao dịch giảm với giá trị giao dịch bình quân chỉ 4.400 tỷ đồng, giảm 31,7% so với 2018.
Thị trường trái phiếu có 532 mã trái phiếu được niêm yết, giá trị niêm yết 1.120 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1%, tương ứng 20,2% GDP 2018.
Với thị trường chứng khoán Phái sinh cũng có mức tăng trưởng tương đối tốt, số lượng giao dịch bình quân trên 106 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 35% so với trung bình 2018.
Về huy động vốn, thị trường chứng khoán huy động 147,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ. Với hoạt động đấu giá, cổ phần hóa, thoái vốn thì từ đầu năm đến nay, 2 sở tổ chức được 25 phiên, tổng giá trị bán 3.915 tỷ đồng.
Tính đến đầu tháng 6, có 22,7 triệu tài khoản, tăng 4%. Còn giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng vẫn thực hiện mua ròng trên 10.000 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường cuối năm, đại diện Uỷ ban chứng khoán cho rằng, về tình hình chung thị trương theo chiều hướng tốt dù có những phiên điều chỉnh giảm trong nửa đầu năm.
Về giải pháp, Uỷ ban cho biết, sẽ tập trung vào Luật C hứng khoán sửa đổi. Trong quá trình soạn thảo dự thảo luật có mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước từ thị trường phát triển có ý kiến để đưa ra nội dung thảo luận.
"Dự kiến tháng 10 sẽ thông qua dự thảo lần này. Kèm theo đó, các nghị định, văn bản hướng dẫn cũng phải hoàn thành trong 2019. Đây là khối lượng công việc lớn, và mục tiêu luật mang tính thông lệ quốc tế, bền vững", ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, Uỷ ban cũng sẽ đánh giá lại tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn. Năm 2018 và đầu năm 2019 tiến độ này đang chậm. Đồng thời, thúc đẩy niêm yết và đăng ký giao dịch của doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa.
Quy định đã có nhưng việc lên sàn của nhiều doanh nghiệp Nhà nước chậm, đã có biện pháp xử phạt. Thậm chí có doanh nghiệp cổ phần hóa 3 - 4 năm không lên sàn mà họ xin phát hành thì Ủy ban chứng khoán cũng không cho phép phát hành.
Đối với sản phẩm mới, đại diện Ủy ban chứng khoán cho biết, ngày 28/6 chính thức niêm yết Chứng quyền có đảm bảo – sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển thị trường đã được Chính Phủ phê duyệt và đến tháng 7, sẽ có thêm 1 sản phẩm.
Việc tăng cường, giám sát, thanh tra Ủy ban sẽ phối hợp cùng 2 sở quyết liệt, nhất là vấn đề nổi cộm như thao túng để thiết lập kỷ cương giúp thị trường minh bạch hơn.
Sản phẩm chứng quyền có đảm bảo chỉ nằm trong rổ VN30
Liên quan kết quả chào bán chứng quyền mới đây của các công ty chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh cho biết, việc lựa chọn các đơn vị phát hành cũng như các mã chứng khoán cơ sở được thực hiện khắt khe. Hiện có 16 công ty chứng khoán đủ điều kiện phát hành và 26 mã cổ phiếu đủ tiêu chí làm chứng khoán cơ sở.
Hiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhận được 16 bộ hồ sơ phát hành CW của 8 công ty chứng khoán. Tổng số CW của 16 bộ hồ sơ là 28,9 triệu, tương ứng với tổng giá trị tối đa 104 tỷ đồng.
Trong đó, 10 bộ hồ sơ đầu tiên đã có báo cáo kết quả chào bán với khối lượng thành công 8,6 triệu CW, tương đương 39,37% tổng số chứng quyền được chào bán. Tổng giá trị phân phối đợt đầu là 15,1 tỷ đồng. Trong đó có 4 mã bán hết 100% nhưng cũng có sản phẩm không bán được chứng quyền nào.
Ông Hải cho biết, khối lượng chào bán được trong đợt này không quá quan trọng, có công ty chưa kịp điều chỉnh nên giá thực hiện khá cao.
Thông tin về tỷ lệ biến động của CW, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách HOSE cho biết, việc chọn chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW chỉ nằm trong rổ VN30 bởi rổ này tập trung cổ phiếu có thanh khoản tốt, có giá trị vốn hóa cao.
Khi triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai và bây giờ là CW đều lựa chọn chứng khoán trong rổ này. Để hạn chế tác động giao dịch CW lên chỉ số VN30 và ngược lại, UBCK đã đưa ra hạn mức.
Vì CW có đặc điểm chỉ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn trong suốt vòng đời của sản phẩm được giao dịch mua bán trên thị trường mà chưa chốt lời chốt lỗ nên việc chốt lời lỗ chỉ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn và sẽ dựa vào giá cả ở thời điểm này.
Tuy nhiên ở thời điểm đáo hạn có quy định một biện pháp có thể hạn chế thao túng giá của cổ phiếu cơ sở dẫn đến thao túng lời lỗ của nhà đầu tư, đó là giá thanh toán của chứng khoán cơ sở là giá bình quân của 5 phiên giao dịch liền trước thời điểm đáo hạn, theo đó hạn chế tác động lên giá thanh toán của CW.