Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nhưng lại đang trong tình trạng giải ngân chậm.
Cụ thể, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 là 18.500 tỷ đồng, lũy kế vốn bố trí từ kế hoạch năm 2018 đến năm 2020 là 18.195,035 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bối thường khu vực còn lại trong năm 2020, bàn giao mặt bằng trong quý II/2021.
"Từ số liệu trên cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của Dự án đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao như đã như cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai và theo Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810ha trong năm 2020
Liên quan đến các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia mà Việt Nam đang thực hiện, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về cơ bản, tiến độ thực hiện một số dự án cơ bản ứng theo đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, cũng có dự án tiến độ còn đang rất chậm, ảnh hưởng tới tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước.
Cụ thể, với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.
Trong đó, 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) đã giải ngân được 1.014 tỷ đồng/3.400 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 29,82%.
Bên cạnh đó, 5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã giải ngân được 1.338 tỷ đồng/3.016 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 44,36%.
Đối với 3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) hiện mới chỉ giải phóng mặt bằng, do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, giải ngân phần giải phóng mặt bằng cũng đã đạt 1.085 tỷ đồng/2.554 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 42,48%.
Như vậy, nhìn vào những con số nêu trên cho thấy, dù có sẵn tiền, thế nhưng các dự án cũng không thể giải ngân là vấn đề rất đáng lưu ý. Đáng chú ý, Sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia và được sử dụng vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương là 18.500 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020), lũy kế vốn bố trí đến năm 2020 là 18.195,035 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế dự án này mới giải ngân được 10,1%.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này phải được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc chuyển hình thức đầu tư 3 dự án nói trên.
Giải ngân hết vốn kế hoạch 2020 là nhiệm vụ then chốt
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài các nguyên nhân khách quan, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư còn có nguyên nhân chủ quan.
Chẳng hạn, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
Chưa kể, giải ngân chậm còn do công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài…
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhất là tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36%, phải coi thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng, là giải pháp then chốt để góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Ngoài việc hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31/7/2020, thì phải chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án…
“Phải xem xét kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.