Aa

Sản xuất vật liệu xây dựng không nung: “Trên thông, dưới vẫn tắc”

Thứ Hai, 22/01/2018 - 20:01

Việc tìm ra các vật liệu xây dựng mới thay thế các vật liệu cũ nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm tác động môi trường đang là hướng đi mới có tính khả thi. Tuy nhiên, khi đạt được kết quả nhất định thì một số doanh nghiệp đang bị “tắc”.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà Cao Cường chia sẻ, sau 7 năm nghiên cứu Công ty đã cùng với các nhà khoa học nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng dây chuyền sử dụng tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện sản xuất vật liệu xây dựng. Sản phẩm đã được đưa ra thị trường mang lại lợi ích kép cho xã hội.

Doanh nghiệp điêu đứng

"Khi dây chuyền đang chạy ổn định thì công ty lại gặp khó khăn từ đầu vào. Lúc đầu tro xỉ không ai mua, phải chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nhưng khi Công ty nghiên cứu thành công, đầu tư máy móc thiết bị thì lại bị nhà máy nhiệt điện và các công ty thu mua ép giá khi phải mua lại tro xỉ thải với giá rất cao, lên tới 100 nghìn đồng/m3. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Mát cho biết.

Trước tình trạng trên, ông Mát tha thiết đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện chương trình sử dụng tro xỉ thải làm vật liệu xây dựng. “Bản thân doanh nghiệp sẽ cố gắng hết sức thực hiện chương trình để giải quyết được mục tiêu kép cho xã hội” – ông Mát khẳng định.

Doanh nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ để phát triển vật liệu xây dựng không nung.

Doanh nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ để phát triển vật liệu xây dựng không nung.

Ở khía cạnh là chủ của một nhà máy nhiệt điện, ông Trần Hữu Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng nêu thực tế tại chính dự án, cách đây 2 năm nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ tro xỉ cho các đơn vị để làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu trộn bê tông, xi măng...  

"Lúc đầu, chúng tôi bán kiểu tự do, không đặt nặng giá cả, chỉ quan trọng bán được hàng tránh ùn ứ cho bãi thải, giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Sau một thời gian xuất hiện tình trạng tranh giành nhau mua tro xỉ buộc công ty phải lên kế hoạch bao tiêu, thu gọn các nhà thầu, dẫn đến giá bán tăng cao hơn” – ông Nam cho biết.

Lãnh đạo công ty này cũng khẳng định: “Số tiền thu được từ bán tro xỉ tuy không lớn nhưng giúp doanh nghiệp có kinh phí để quay vòng đầu tư cho môi trường nhà máy”.

Cần ưu đãi “thực tế” cho doanh nghiệp

Mới đây, Thủ tướng ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, đến năm 2020 các nhà máy phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 19 triệu tấn thạch cao).

Để quyết định trên sớm về đích, ông Trần Đình Sính - Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (Green ID) cho rằng cần phải có ưu đãi thực tế, thậm chí bằng tiền cho những doanh nghiệp tiên phong sử dụng tro xỉ.

Ông Sính lý giải bởi trên thực tế, khi những công ty sử dụng tro xỉ có nhu cầu, họ phải mua của các nhà máy nhiệt điện với giá 80.000-100.000 đồng/tấn. Trong khi đó, ở Trung Quốc hay Thái Lan, mỗi tấn tro xỉ các công ty sử dụng được trợ cấp một khoản tiền nhất định. Có lẽ nhờ chính sách này mà việc xử lý tro xỉ của Trung Quốc và một số nước trên thế giới hiệu quả hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Ông Sính dẫn chứng: Năm 2010 Trung Quốc sử dụng khoảng 3,2 tỉ tấn than và hàng năm thải ra khoảng 480 triệu tấn tro xỉ nhưng khối lượng tro xỉ được tái sử dụng khá cao, lên đến 67%, tăng 47% so với năm 1999 và 53% so với năm 1980.

Chia sẻ với DĐDN, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh, ông Đặng Việt Lê cho biết, ngoài việc chính thức hóa việc sử dụng vật liệu không nung bằng các quy phạm pháp luật cần phải giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% đối với gạch không nung, tăng từ 10% lên 20% với gạch đỏ, tăng thuế đất làm gạch nung từ 13% lên 25% (để phù hợp với mức thuế suất các nước trong khu vực).

Về phía Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch cho biết đã tập hợp các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung có công suất lớn để tạo ra các sản phẩm đa dạng và giá thành hợp lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top