Phát biểu về quan điểm chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp của Đảng. Quá trình sửa đổi phải tuân thủ Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành các quy định của Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan, đặc biệt là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành cuộc họp.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 194/2025/QH15. Dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Theo đề xuất của Ủy ban, thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 1/7/2025. Để bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình thực hiện, Ủy ban kiến nghị bổ sung quy định về việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và điều khoản chuyển tiếp, quy định cụ thể về việc chỉ định các chức danh Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trong năm 2025.
Quá trình lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết được triển khai từ ngày 6/5 và sẽ kết thúc vào ngày 5/6/2025. Việc lấy ý kiến được thực hiện với tinh thần dân chủ, thực chất, thông qua nhiều hình thức đa dạng, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ủy ban và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội thảo luận lần cuối vào ngày 24/6/2025.
Đối với Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự luật này được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã). Mục tiêu của luật là phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền địa phương 2 cấp; tinh gọn bộ máy; đảm bảo sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của nền hành chính từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ người dân tốt hơn.
Dự luật được xây dựng dựa trên nguyên tắc tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Từ đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương, khơi thông nguồn lực để địa phương phát triển.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, tập trung vào 4 nhóm nội dung chính: Phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Phân quyền, phân cấp, ủy quyền và xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương; Quy định về hiệu lực thi hành và các điều khoản chuyển tiếp liên quan đến việc chuyển đổi mô hình từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua cùng với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, dự kiến vào ngày 24/6/2025.