Trong báo cáo phân tích mới đây, Agriseco Research nhận định năm 2023 các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù vậy, một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành và ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Bức tranh kinh doanh các nhóm ngành trong quý I bởi vậy cũng có diễn biến phân hóa.
Theo Agriseco Research, lợi nhuận trong quý I của nhóm bất động sản có thể suy giảm do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và nguồn huy động vốn thắt chặt trong môi trường lãi suất cao.
"Về trung và dài hạn các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thúc đẩy thị trường bất động sản bao gồm: Nghị định 08 về trái phiếu phát hành riêng lẻ, Nghị quyết 33 giãn hoãn nợ lãi vay, lãi suất cho vay giảm, các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản dự kiến ban hành từ 7/2024 sẽ giúp thị trường bất động sản ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024", Agriseco phân tích.
Trong khi đó, lợi nhuận nhóm bất động sản KCN có thể chững lại trong quý I do mức nền cao cùng kỳ và nhu cầu FDI chậm lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và ký được các hợp đồng trong năm 2022 có thể sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.
Với nhóm ngân hàng, lợi nhuận có thể tăng chậm lại so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhu cầu mua nhà sụt giảm đáng kể trong môi trường lãi suất cao. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng có khả năng suy giảm khi nợ xấu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Ngành thép cũng gặp nhiều khó khăn trong quý đầu năm 2023 bởi nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trầm lắng; Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế, chưa kể lợi nhuận toàn ngành thép trong qúy I/2022 đạt 9.856 tỷ đồng, đây là mức nền cao của cùng kỳ. Mặc dù vậy, có một số tín hiệu khả quan đã dần xuất hiện đối với ngành thép như giá thép đã phục hồi khá tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại và kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.
Với ngành bán lẻ, theo Agriseco, môi trường lạm phát, lãi suất ở mức cao và kéo dài nhiều quý đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người dân. Ngoài ra, thu nhập khả dụng người dân bị suy giảm vì các chính sách cắt giờ lao động hoặc cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp nhằm tối ưu các chi phí vận hành. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất cao cũng khiến khả năng vay nợ của các doanh nghiệp này giảm xuống do bán lẻ thường vay vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh cửa hàng. Cũng chính điều này khiến các doanh nghiệp bán lẻ thời gian qua đã phải điều chỉnh lại các cửa hàng để đưa ra mô hình tối ưu nhất về lợi nhuận.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ lạm phát cũng khiến giá hàng hóa nhập vào nhìn chung gia tăng, trong khi các nhà bán lẻ khó chuyển phần tăng giá này sang khách hàng. Thậm chí, các chương trình kích cầu tiêu dùng cũng được đẩy mạnh cũng sẽ làm tăng chi phí vận hành và giảm lợi nhuận.
Agriseco cũng dự đoán triển vọng lợi nhuận quý I của ngành gỗ sẽ kém khả quan trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU suy giảm do lạm phát và suy thoái kinh tế. Thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn sẽ khiến sản phẩm gỗ và nội thất của quốc gia này cạnh tranh với Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Với ngành dệt may, lợi nhuận toàn ngành có thể suy giảm trong quý đầu năm do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu suy yếu trong khi hàng tồn kho tại Mỹ vẫn đang ở mức cao. Việc ký mới các đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này.
Tương tự, lợi nhuận ngành phân bón có thể suy giảm do mức nền KQKD cao cùng kỳ năm ngoái; Giá phân bón đang hạ nhiệt mạnh kể từ giữa năm 2022 tới nay; Trung Quốc mở cửa và nới lỏng xuất khẩu phân bón có thể khiến cạnh tranh gia tăng tại các thị trường xuất khẩu và cả thị trường Việt Nam và nhu cầu phân bón đã tương đối bão hòa và khó có khả năng tăng trưởng mạnh.
Cũng theo Agriseco, lợi nhuận ngành vận tải biển có thể suy giảm so với mức nền cao cùng kỳ bởi cước vận tải biển hạ nhiệt mạnh tại hầu hết các tuyến, có những tuyến đã giảm 5 - 7 lần về mức ngang với trước đại dịch Covid-19; Nhu cầu giao thương toàn cầu yếu đi trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, lợi nhuận quý I ngành cảng biển có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ khi hoạt động của các cảng biển ở Việt Nam vẫn được duy trì ổn định.
Hướng ngược lại, nhóm phân tích này dự báo ngành dược sẽ có triển vọng lợi nhuận ổn định khi là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đồng thời còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn khi quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng giúp người dân chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe.
Tương tự, ngành thăm dò khai thác dầu khí cũng có triển vọng lợi nhuận quý I khả quan do sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Ngoài ra, dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn./.