Aa

Sao Vietinbank “trót dại” hai lần?

Thứ Ba, 15/08/2017 - 13:01

Tuyển nhân viên gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, “ăn cắp” tiền trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng,…Vietinbank lại đang tự giảm uy tín khi quay lưng lại với chính khách hàng của mình.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin bà Nguyễn Thị H. (trú phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho rằng 790 triệu đồng trong cuốn sổ tiết kiệm 800 triệu đồng của bà tại ngân hàng Vietinbank đã không cánh mà bay.

Cụ thể, bà H. có một sổ tiết kiệm số PK 550 1228, kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng, được mở tại Phòng Giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ. Cuốn sổ tiết kiệm của bà H. có đầy đủ thông tin xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ ký của trưởng phòng giao dịch là bà Mai Thị Tân Dân.

Được biết, sổ này được mở theo yêu cầu thu tiền tại nhà do khách hàng đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, hết kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đến phòng giao dịch thì được ngân hàng thông báo chỉ còn 10 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền 790 triệu đồng đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng. Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc của bà H. đang giữ lại không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên. Khi nhận được thông báo 790 triệu đồng đã mất, gia đình khách hàng đã yêu cầu ngân hàng cho xem lại camera trong hai ngày phát sinh giao dịch trên để xem ai đã rút tiền nhưng phía ngân hàng từ chối.

Theo thông tin trên báo Tầm nhìn, hiện đại diện gia đình bà Nguyễn Thị H. cho hay, công an kinh tế tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ trưởng phòng giao dịch Vietinbank chi nhánh Đền Hùng - bà Mai Thị Tân Dân và triệu tập những người liên quan đến sự việc trên tới làm việc.

"Bà Dân đã tìm đến gia đình tôi thừa nhận hành vi của mình, xin lỗi và xin thỏa thuận. Bà ấy trình bày gia cảnh đang gặp nhiều khó khăn đồng thời bày tỏ mong muốn gia đình tôi tạo điều kiện để bà ta trả dần", báo Tầm nhìn trích lời một thành viên trong gia đình bà H.

Tuy nhiên, gia đình bà H không đồng ý với hướng giải quyết đó và cho rằng Vietinbank phải chịu trách nhiệm về sự việc này.

"Tiền gia đình tôi gửi vào ngân hàng chứ không gửi bà Dân. Vietinbank phải chịu trách nhiệm về những lỗi, sai phạm của họ trong việc quản lý nhân sự và hệ thống chứ không chỉ bà Dân", người thân của bà H nói về lý do từ chối phương án giải quyết của bà Dân. 

Đại diện gia đình bà H cho hay đến nay ngân hàng vẫn né trả lời những câu hỏi của khách hàng liên quan tới 2 lần rút tiền mà không cần tới sổ gốc. 

Ai cũng hiểu rằng, khi người tiêu dùng trao tiền cho ngân hàng "cất giữ", trách nhiệm "bảo quản" hoàn toàn thuộc về ngân hàng. Khi sự việc xảy ra, phía lãnh đạo ngân hàng và nhân viên phải tự giải quyết nội bộ và không thể đổ lỗi cho khác hàng và buộc họ phải chịu thiệt hại.

Sự việc lần này xảy ra tại Phú Thọ không khỏi khiến dư luận e dè nhớ lại đại án siêu lừa, tham ô tài sản của Huyền Như và một số cán bộ ngân hàng Vietinbank trước đây.

Trong thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là kiểm soát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Viettinbank chi nhánh TP.HCM, lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Viettinbank chi nhánh Nhà Bè, Viettinbank chi nhánh TP.HCM, đã trực tiếp gặp, thoả thuận với người môi giới, người đại diện của công ty Hưng Yên, công ty An Lộc, công ty Phương Đông, công ty bảo hiểm Toàn Cầu và công ty SBBS, để các công ty này gửi tiền vào Viettinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của nhà nước.

Đồng thời để dẫn dụ các công ty này, khi tiếp xúc với đại diện đơn vị, người môi giới, Như đã cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định 14%/năm còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Thực tế phần trả thêm, Như sử dụng tiền cá nhân để trả.

Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Viettinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Viettinbank đi trả nợ cá nhân với tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty nêu trên là hơn 1.085 tỷ đồng.

Nhìn từ hai sự cố trên cho thấy, Vietinbank sàng lọc chưa kỹ độ trung thực của nhân viên và lãnh đạo. Tuy nhiên, ngân hàng còn tự giảm uy tín khi không nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho nhân viên và quay lưng lại với chính khách hàng của mình.

Mất tiền của khách hàng trong sổ tiết kiệm mà lại đổ cho khách hàng, dù đây không phải là số tiền quá lớn với một ngân hàng Top đầu như Vietinbank. Thường khi xảy ra sự cố, đáng lẽ ra ngân hàng phải đền bù cho khách hàng vì đây là giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng – trong đó đại diện là phòng giao dịch. Trong khi đó, ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm và cho rằng là do nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt khách hàng. Logic này ắt không thuần đạo và luật không cho phép?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin này... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top