Ngày 18/4/2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức buổi làm việc chính thức, thống nhất chủ trương hợp nhất hai địa phương thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là thành phố Hải Phòng. Trung tâm chính trị - hành chính của thành phố mới dự kiến đặt tại khu vực hiện nay của TP Hải Phòng. Sau sáp nhập, thành phố Hải Phòng mới sẽ có 114 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 46 phường, 66 xã và 2 đặc khu Bạch Long Vĩ, Cát Hải.

Thành phố Hải Dương. Ảnh: Internet
Để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Hải Dương sau sáp nhập, TP Hải Phòng dự kiến bố trí hơn 400 căn hộ tại dự án Khu nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô Quyền. Thời gian thuê dự kiến từ 2-3 năm, sau đó chủ đầu tư sẽ tiếp tục mở bán nhà ở xã hội theo quy định.
Hải Phòng cũng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hải Dương và khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa 2 địa phương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân trong việc đi lại.
Thông tin về việc sáp nhập đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư từ Hải Dương đã đổ về khu vực Thủy Nguyên (Hải Phòng) để tìm kiếm cơ hội, khiến giá đất tại các phường Minh Đức, Tam Hưng, Hoa Động, Thiên Hương, Dương Quan tăng hơn 20% kể từ đầu năm 2025 đến nay.
Hải Phòng – trung tâm kinh tế lớn thứ ba miền Bắc – sở hữu cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng lớn nhất và hiện đại nhất khu vực phía Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải hàng trăm nghìn tấn. Cùng với sân bay quốc tế Cát Bi, hệ thống đường cao tốc nối liền với Hà Nội và Quảng Ninh, thành phố cảng đang là trung tâm logistics, xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước. Hải Phòng cũng là nơi thu hút hàng đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như LG, Pegatron, GE, và đang phát triển mạnh hệ sinh thái khu công nghiệp như DEEP C, VSIP, Tràng Duệ...

Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Internet
Trong khi đó, Hải Dương – tuy không có cảng biển hay sân bay – lại giữ vai trò là "hậu phương công nghiệp", cung cấp diện tích đất phát triển các khu công nghiệp, nguồn nhân lực dồi dào và chuỗi cung ứng sản xuất hoàn chỉnh. Nằm ngay giữa Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh này là điểm kết nối giao thông quan trọng và là địa phương có nền công nghiệp chế biến chế tạo phát triển mạnh mẽ. Hải Dương hiện có hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đồng thời sở hữu tiềm năng lớn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản.
Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương được kỳ vọng sẽ tạo ra một đô thị đặc biệt thứ 3 của cả nước, sau Hà Nội và TP. HCM. Khi hai địa phương này sáp nhập, một vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ – logistics liên hoàn sẽ hình thành. Không gian phát triển được mở rộng, quy mô dân số và kinh tế tăng mạnh sẽ giúp khu vực này gia tăng năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hải Phòng – Hải Dương hợp nhất sẽ tạo nên một đô thị đặc biệt không chỉ của miền Bắc mà còn vươn tầm quốc tế, nơi kết hợp giữa cảng biển quốc tế và mạng lưới khu công nghiệp công nghệ cao, giữa trung tâm logistics với vùng đất tiềm năng về công nghệ nông nghiệp, giữa đô thị hóa mạnh mẽ với quy hoạch phát triển bền vững.