Theo đó, hoạt động liên kết tổ chức du lịch sinh thái trên địa bàn VQG Ba Vì có nhiều tồn tại, thiếu sót.
Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định việc ký hợp đồng liên kết giữa VQG Ba Vì với các đơn vị liên quan khi chưa có các đề án được phê duyệt, thời gian hợp đồng liên kết 53 năm với các doanh nghiệp là chưa đúng với chỉ đạo của Bộ NNPTNT tại văn bản số 1847/BNN-KL ngày 1/7/2008.
Một số nội dung trong hợp đồng thiếu chặt chẽ (như giao rừng, đất lâm nghiệp và tài sản cho đơn vị liên kết); việc quy định trong hợp đồng cho phép đơn vị liên kết được hưởng 10% tiền vé vào cửa là chưa đúng quy định hiện hành về quản lý tài chính.
Trách nhiệm dẫn tới những tồn tại thiếu sót, khuyết điểm trên thuộc về Giám đốc và các cán bộ có liên quan của VQG Ba Vì ở thời điểm ký hợp đồng (tháng 8/2008).
Đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết, việc cho phép Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) tôn tạo, xây dựng các cụm công trình tại khu vực cos 600 khi dự án được phê duyệt là chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định hiện hành. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư (Công ty CFTD), Giám đốc và các cán bộ của VQG Ba Vì từ thời điểm ký hợp đồng đến ngày 15/4/2011 (thời điểm cơ bản hoàn thành triển khai lắp dựng 13 căn nhà).
Việc CFTD tiếp tục triển khai sửa chữa, nâng cấp các căn nhà khi chưa có dự án được duyệt, trách nhiệm thuộc về giám đốc và các cán bộ của VQG Ba Vì ở thời điểm từ tháng 4/2011 đến thời điểm thanh tra.
Đối với Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, kết luận thanh tra cho rằng trong quá trình xem xét, tham mưu cho lãnh đạo tổng cục trình Bộ NNPTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể khu dịch vụ du lịch thuộc phân khu hành chính dịch vụ I-VQG Ba Vì, đã thiếu sâu sát, chỉ dựa vào hồ sơ để nghị của VQG Ba Vì, không tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo và chuyên viên liên quan Vụ Bảo tồn thiên nhiên.
Triển khai kết luận thanh tra về hoạt động liên kết du lịch sinh thái trên địa bàn Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu lãnh đạo VQG Ba Vì kiểm điểm cụ thể trách nhiệm các cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của VQG để xảy ra các tồn tại về hoạt động liên kết du lịch. Việc kiểm điểm này cần hoàn thành trong tháng 3/2017.
Cũng theo nội dung triển khai kết luận thanh tra, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị yêu cầu VQG Ba Vì rà soát, điều chỉnh các hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ sinh thái theo hướng cho thuê môi trường rừng. Thời gian cho thuê tối đa là 30 năm, sau đó toàn bộ tài sản, công trình xây dựng sẽ thuộc sở hữu của VQG Ba Vì.
VQG Ba Vì cần tổ chức quản lý chặt chẽ toàn diện tài nguyên, tài sản đất đai khu vực cho thuê môi trường rừng với trách nhiệm là chủ rừng, chủ sử dụng đất. Việc cho thuê cũng cần điều chỉnh mức thu theo doanh thu cho thuê môi trường rừng phù hợp với Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 22/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc điều chỉnh này phải hoàn thành trước 30/4/2017.
VQG Ba Vì cần tiếp tục đình chỉ hoạt động tôn tạo, xây dựng, kinh doanh du lịch sinh thái tại cos 600, 700 và cos 800 của Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) đến khi Đề án thuê môi trường rừng và dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái trong Khu vực hành chính, dịch vụ I thuộc VQG được phê duyệt.
Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục như: Vụ Bảo tồn thiên nhiên,Vụ Kế hoạch – Tài chính... tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ thuộc thẩm quyền đã để xảy ra sai sót trong sự việc này. Việc kiểm điểm hoàn thành trong tháng 3/2017. Các đơn vị chuyên môn này cũng cần đề xuất biện pháp khắc phục các thiếu sót trong quản lý tài sản theo kết luận thanh tra, việc đề xuất hoàn thành trước ngày 30/4/2017.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 2/2016, nhiều cơ quan báo chí phát hiện và đưa tin về việc khu du lịch sinh thái Le Mont Ba Vi trong VQG Ba Vì do Công ty CFTD làm chủ đầu tư, tọa lạc ở độ cao 600 m (Cos 600) giữa VQG Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) là một khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... đã gần như hoàn tất và đưa vào sử dụng trong khi công trình lại chưa được phê duyệt dự án, chưa có giấy phép xây dựng.
Ngay sau khi báo chí đưa tin về việc ngang nhiên xây resort không phép giữa VQG Ba Vì, chiều 29/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT khi đó là ông Cao Đức Phát đã có thông báo hoả tốc yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo VQG Ba Vì yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình trái phép tại VQG Ba Vì kể từ ngày 1/3. Đồng thời ông Cao Đức Phát cũng chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình trái phép tại VQG Ba Vì./.