Aa

Sau Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi

Thứ Bảy, 15/09/2018 - 14:00

Sau Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi; Nhà đầu tư nước ngoài e ngại gì ở thị trường địa ốc Việt?; Cần Thơ: Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại; VAMC “đòi” cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2018;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Sau Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi

UBND TP.HCM vừa ra thông báo sẽ thu hồi hàng loạt dự án bất động sản của chủ đầu tư “xí” đất nhiều năm nhưng không chịu thực hiện. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội cho TP.HCM tạo quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ.

Thông tin cụ thể được UBND TP.HCM đưa ra mới đây cho biết, trước việc nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố “xí” đất nhưng không chịu triển khai, gây lãng phí quỹ đất, các cơ quan chức năng TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra và đề nghị có biện pháp xử lý mạnh tay.

Giới phân tích cho rằng, việc thu hồi quỹ đất chậm triển khai của TP.HCM là cơ hội cho việc phát triển dự án nhà ở xã hội 200 triệu đồng/căn mà TP.HCM đang thiếu quỹ đất để triển khai.

Câu chuyện này cũng được các doanh nghiệp địa ốc cho rằng cần thiết. Tổng giám đốc của một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở giá rẻ cho biết, cái khó nhất hiện nay đó là quỹ đất để doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở giá rẻ cho người dân.

Trong khi đó, các quỹ đất đang bị doanh nghiệp “xí phần” không thực hiện lại phù hợp với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Thêm vào đó, nó cũng phù hợp với chương trình giãn dân của TP.HCM đề ra tại Đại hội Đảng bộ 10 của TP.HCM.

Theo vị lãnh đạo này, với quỹ đất nhiều này, chỉ cần lãnh đạo Thành phố giao cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, thì sẽ giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người dân của Thành phố.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhà đầu tư nước ngoài e ngại gì ở thị trường địa ốc Việt?

Theo thống kê của tập đoàn CEN Group, năm 2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 giao dịch là người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, trong đó có khoảng 10% đã được nhận nhà và làm thủ tục. 4 tháng đầu năm 2018, con số này cũng đã đạt khoảng 2.000 giao dịch, bằng cả năm 2017. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là còn nhỏ bé so với tiềm năng của thị trường bất động sản trong nước.

Chia sẻ bên lề hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC, ông Vinh Nguyễn, đại sứ của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Campuchia cho biết: Người Mỹ rất cẩn trọng khi đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lớn chưa đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, trong đó, rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý. Ví dụ, người nước ngoài đầu tư mua nhà ở Việt Nam, sau khi bán nhà, muốn chuyển tiền ra ngoài phải đáp ứng điều kiện như chấm dứt hoạt động đầu tư tại Việt Nam, giải thể, giảm vốn…(Khoản 1, Điều 9 Thông tư 19/2014), ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư ấy không được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Cùng quan điểm với ông Vinh Nguyễn, chuyên gia môi giới và tư vấn bất động sản người Mỹ, ông Furhad Waquad cho biết: “Việt Nam, Campuchia đã đạt mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong vòng vài chục năm gần đây. Tuy vậy, do sự khác nhau về cách tổ chức chính quyền và hệ thống pháp lý mà nhiều người giàu phương Tây vẫn còn ngần ngại mua nhà ở hai nước này. Hiện nay, phần lớn là các nhà đầu tư vào Việt Nam và Campuchia là từ Trung Quốc và các nước châu Á”.

Xem chi tiết tại đây

Cần Thơ: Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ đã phối hợp với Văn phòng Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tọa đàm “Trao đổi về thị trường bất động sản Quý III/2018”.

Theo số liệu ghi nhận từ Hiệp hội, trong năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường bất động sản Cần Thơ nóng lên và có lúc cao điểm lên cơn sốt, nhất là thời điểm đầu năm 2018. Hiện nay, thị trường đang giảm nhiệt nhưng chưa lao dốc nên không thể coi là khủng hoảng.

Theo nhận định của ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ: "Thời gian qua, trước diễn biến “nóng” của thị trường đất nền, nhiều người lo ngại xảy ra “bong bóng nhà đất” giống như giai đoạn 2008 - 2011, khiến thị trường “đóng băng” 3 năm liền sau đó. Nhưng hiện tại, thị trường Cần Thơ đang phát triển ổn định, chưa có hiện tượng bất thường. Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, những đợt “sốt đất” vừa qua chưa có tác động lớn đến thị trường chung, đó chỉ là những con “sóng nhỏ”, thậm chí giá đất tăng được đánh giá chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thật. Có thể nói, hiện tại, thị trường bất động sản Cần Thơ chỉ “đứng giá” chứ không giảm, đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, thị trường sẽ sôi động trở lại khi các dự án mới chào bán ra thị trường".

Xem chi tiết tại đây

Ảnh phối cảnh sân bay Long Thành

Ảnh phối cảnh sân bay Long Thành

Sốt ruột vì dự án sân bay 16 tỷ USD chậm tiến độ

Ngày 11/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát tiến độ triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành, để nắm bắt những khó khăn của địa phương, trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ phản ánh tại kỳ họp thường kỳ cuối năm sắp tới của Quốc hội.

Đây là dự án có quy mô rất lớn, với tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Khoảng 5.000ha đất cần được giải phóng mặt bằng để xây dựng sân bay với số tiền thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là khoảng 22.856 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án phải được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện đang chậm khoảng 8 tháng so với yêu cầu đề ra, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Tiến độ thực hiện chậm cũng phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, khiến người dân và chính quyền địa phương rất sốt ruột. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Suối Trầu, huyện Long Thành cho biết, kể từ năm 2005, khi dự án có chủ trương xây dựng đến nay đã kéo dài 13 năm. Người dân thấp thỏm trong chờ đợi, đời sống kinh tế - xã hội của địa phương không phát triển được.

Xem chi tiết tại đây

VAMC “đòi” cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2018

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ngày 7/9 đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018. Theo đó, công ty có kế hoạch mua tối đa 32.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay bằng trái phiếu đặc biệt. Bên cạnh đó, theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì có 3.500 tỷ đồng được mua theo giá trị thị trường. Công ty sẽ xử lý nợ xấu theo dư nợ gốc là hơn 34.500 tỷ đồng.

Để thực hiện được 3 mục tiêu về xử lý nợ nói trên, VAMC cho biết sẽ cùng với các bộ ngành hoàn thiện khung khổ pháp lý xử lý nợ xấu. Đồng thời, công ty sẽ đề nghị cấp đủ vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng trong năm nay theo phương án đã phê duyệt, tức là bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng nữa so với vốn hiện hành.

Cùng với đó, VAMC sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu đã mua; lựa chọn, rà soát lại các khoản nợ đang hạch toán nội bảng, ngoại bảng của các tổ chức tín dụng có khả thi trong việc xử lý sau khi mua để triển khai theo phương án mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Xem chi tiết tại đây

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top