Aa

Sau sáp nhập, đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương có dân số thấp nhất Việt Nam

Thứ Hai, 21/04/2025 - 16:10

Thành phố này đang sở hữu tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch cực kì lớn mặc dù có dân số thấp nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, quyết định về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sáp nhập, Việt Nam sẽ có tổng cộng 34 tỉnh, thành phố (bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).

6 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng (được hợp nhất từ TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương), Huế, Đà Nẵng (hợp nhất từ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam), Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Cần Thơ (hợp nhất TP. Cần Thơ với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang).

Theo đó, Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có dân số thấp nhất cả nước với 1.160.220 người.

Sau sáp nhập, đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương có dân số thấp nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Một góc TP Huế. Ảnh: Internet

Huế có thể được xem là “thủ phủ di sản” khi có cho mình một quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Mỗi năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đổ về đây để đắm chìm trong vẻ đẹp trầm mặc của lăng tẩm, cung điện, chùa chiền cổ kính và cả dòng Hương thơ mộng. Với định hướng phát triển du lịch bền vững và đậm đà bản sắc, Huế đang từng bước tái định hình mình như một trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái – nghỉ dưỡng cao cấp, nơi vừa giữ gìn hồn cốt di sản, vừa đổi mới để chạm tới nhu cầu của du khách thời đại mới.

Trong bức tranh phát triển của Huế, văn hóa không chỉ là tài sản tinh thần, mà còn là nguồn lực kinh tế quý giá. Các ngành công nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, thời trang truyền thống (như áo dài Huế), y tế cổ truyền hay ẩm thực cung đình… đang từng bước được quy hoạch và chuyên nghiệp hóa để tạo ra chuỗi giá trị kinh tế độc đáo.

Thêm vào đó, Huế cũng được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, y tế chất lượng cao và sản xuất công nghệ sạch. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, một trong 15 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, chính là đòn bẩy để Huế mở rộng không gian phát triển kinh tế biển, logistics và công nghiệp công nghệ cao.

Sau sáp nhập, đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương có dân số thấp nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Huế). Ảnh: Internet

Nằm trên trục Bắc - Nam, Huế là "điểm giữa vàng" kết nối hai trung tâm kinh tế lớn của miền Trung là Đà Nẵng và Quảng Trị. Việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam, mở rộng Quốc lộ 1A, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, và đặc biệt là dự án sân bay quốc tế Phú Bài đang được đẩy mạnh, sẽ giúp Huế nâng cao năng lực kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian di chuyển, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư và du lịch.

Không chỉ kết nối với bên ngoài, Huế còn chú trọng phát triển giao thông xanh – thông minh trong nội đô, khuyến khích sử dụng xe đạp, xe điện, từng bước định hình một đô thị hiện đại mà vẫn giữ được nét duyên dáng, thanh lịch.

Với vị thế là một thành phố trực thuộc Trung Ương, Huế đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ, dấn thân vào dòng chảy hiện đại, song song với đó, vẫn giữ vẹn nguyên hồn cốt của một đô thị di sản. Huế không chỉ là trung tâm văn hóa, du lịch; mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp giữa giữ gìn bản sắc và khát vọng đổi mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top