Aa

Savills: Quy định người nước ngoài chỉ được mua tối đa 30% căn hộ là chưa hợp lý

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 18/05/2019 - 21:00

Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài mong muốn mua nhà ở Việt Nam nhưng quy định người nước ngoài chỉ được quyền sở hữu 30% căn hộ trong một tòa nhà đang là rào cản.

Tại Diễn đàn Bất động sản 2019, trả lời câu hỏi "Thời gian qua khách nước ngoài tìm kiếm mua nhà tại Việt Nam có tăng không và họ chủ yếu tìm mua những phân khúc nào?", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của Savills, nguồn cầu của khách nước ngoài, nhất là khách mua cá nhân đang tăng rất nhanh. Savills đã phải thiết lập một bộ phận riêng biệt để phục vụ nhu cầu của khách nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Khách hàng phần nhiều đến từ các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản…

Theo ông Matthew Powell, với những dự án cao cấp, lượng bán cho người nước ngoài rất nhanh, nguồn cung gần như không đủ cầu. Do đó, Savills đề xuất cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh tăng hạn mức bán nhà cho người nước ngoài. Hiện tại, hạn mức 30% cho người nước ngoài đang áp dụng đồng đều cho tất cả các dự án căn hộ, biệt thự.

Ông Matthew Powell cho hay: "Tôi thấy quy định 30% như vậy thì không hợp lý. Vì ở phân khúc cao cấp như dự án biệt thự, hạn mức chỉ 10% thì số lượng bán rất ít. Do đó, với dự án cao cấp, nhu cầu mua của người nước ngoài nhiều thì có thể nâng hạn mức, còn những dự án bình dân thì có thể giảm hạn mức. Tất nhiên việc tăng hạn mức lên bao nhiêu phần trăm, tăng như thế nào thì cần phải xem xét để không ảnh hưởng tới thị trường". 

Quy định người nước ngoài mua tối đa 30% nhà ở là chưa hợp lý

Quy định người nước ngoài mua tối đa 30% nhà ở là chưa hợp lý

Được biết, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hạn chế cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Bộ cho biết đã nghiên cứu xử lý các kiến nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Nghị định 99 quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

Nghị định 99 yêu cầu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh. UBND căn cứ văn bản của 2 bộ này để chỉ đạo các Sở Xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện các Sở chưa thực hiện sát sao việc xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng internet. Điều này khiến các tổ chức, cá nhân nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại, chưa bỏ tiền ra mua, sở hữu nhà ở trong nước.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%, nhưng Bộ và các Sở Xây dựng ở địa phương chưa áp dụng hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc công khai các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có việc đôn đốc trách nhiệm của Sở Xây dựng các địa phương thực hiện.

Theo tìm hiểu, tại một số nước, không có quy định rõ hạn chế sở hữu nhà của người nước ngoài. Ví như tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Tuy nhiên, người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hằng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường bất động sản càng phát triển và Nhà nước thu được nhiều thuế. Thống kê của Coldwell Banker Singapore, trong năm 2010 - 2012 cho thấy, tỷ lệ người Việt mua nhà ở Singapore đã chiếm khoảng 3,2% các giao dịch bất động sản của quốc gia này.

Tương tự, Malaysia chỉ có quy định về giá tối thiểu của căn hộ mà người nước ngoài có thể mua mà không hề có hạn chế loại hình bất động sản mà người nước ngoài có thể mua. Người mua bất động sản ở Malaysia đến từ nhiều nước tại châu Á như Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ...

Một ví dụ khác là thị trường bất động sản Nhật Bản. Bất cứ cá nhân quốc tịch nước ngoài nào đều có thể mua hợp pháp bất động sản ở Nhật Bản mà không bị hạn chế gì. Nước này không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu rất đơn giản và không bị phụ thuộc. Việc giảm bớt quy định hạn chế đối với sở hữu nước ngoài về bất động sản tại Nhật Bản đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nhân nước ngoài đến nước này làm việc và tham gia vào thị trường. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top