Aa

Vì sao tỷ lệ sở hữu nhà ở của người nước ngoài vẫn thấp?

Thứ Tư, 15/05/2019 - 20:01

Bộ Xây dựng vừa có phúc đáp Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc hạn chế cho người nước ngoài sở hữu nhà ở.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Bên cạnh đó, Nghị định 99 có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 cũng quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Nghị định 99 yêu cầu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh.

Theo đó, UBND căn cứ văn bản của 2 bộ này để chỉ đạo các Sở xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.

Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2015

Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện các Sở chưa thực hiện sát sao việc xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng internet.

"Điều này khiến các tổ chức, cá nhân nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại, chưa bỏ tiền ra mua, sở hữu nhà ở trong nước", đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%, nhưng Bộ và các Sở Xây dựng ở địa phương chưa áp dụng hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định.

Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc công khai các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có việc đôn đốc trách nhiệm của Sở Xây dựng các địa phương thực hiện.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và Việt kiều theo 2 giai đoạn: Trước và sau thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo cần thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua, loại mua căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và Việt kiều.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top