Aa

Sẽ công bố dự án bất động sản thế chấp ngân hàng rộng rãi hơn?

Thứ Sáu, 23/09/2016 - 06:07

Không chỉ có Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh công bố danh sách các dự án BĐS đang thế chấp ở ngân hàng, mà các dự án ở các tỉnh thành rộng khắp trên cả nước cũng sẽ công bố trong thời gian tới.

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Bắc - Trưởng Phòng tín dụng ngành Công nghiệp và xây dựng – Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Bắc hiện nay không chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM công bố, mà Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng có công bố này. Trong thời gian tới, việc công bố nên diễn ra trên khắp cả nước. Như vậy sẽ phổ biến hơn và không có gì bất thường. Theo đó, ngươi dân cũng sẽ đón nhận thông tin kịp thời hơn.

Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết cách đây vài tháng có sự kiện của dự án Harmona tại quận Tân Bình bị ngân hàng BIDV gởi văn bản đòi siết nợ. Khi sự việc xảy ra, ông được thành phố giao xử lý vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà và các bên liên quan, sau đó báo cáo UBND TP.HCM để không xảy ra những câu chuyện tương tự như Harmona.

Khi tiếp xúc với ban quản trị chung cư thì những người mua nhà cho biết có rất ít thông tin khi mua nhà, chủ yếu tiếp cận thông tin từ chủ đầu tư là chính. Người mua cũng muốn tìm hiểu thông tin nhưng không biết tìm hiểu ở đâu.

Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM nhìn thấy yêu cầu bức thiết của người mua nhà là yêu cầu minh bạch thông tin. Trên thực tế, hồi cuối tháng 7, Sở này đã công bố danh sách 77 dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố do chủ đầu tư dự án hoặc các cá nhân, tổ chức mua nhà trong dự án đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố. Danh sách này cập nhật đến ngày 8/6/2016.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thì cho rằng tất cả những giao dịch bất động sản phải được thực hiện theo Luật Kinh doanh BĐS, nhưng có khi họ lách các giao dịch theo kiểu như là hợp tác đầu tư, góp vốn.

Do đó kẽ hở là những trường hợp nhận tiền đặt cọc lên đến 30-40%. Tình trạng là có những dự án thế chấp nhưng hiện nay có dự án chưa được duyệt thiết kế cơ sở, chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn huy động vốn và họ đã thế chấp rồi nhưng danh sách công bố vừa rồi không có những dự án đó.

"Theo tôi sắp tới phải công bố thông tin kịp thời ngay tại trụ sở ban quản lý dự án của dự án và công bố theo thời gian thực. Chủ đầu tư thế chấp tài sản hình thành trong tương lai phải đủ điều kiện là được ngân hàng nơi nhận tài sản thế chấp đồng ý và người mua nhà đồng ý. Còn việc chủ đầu tư có dự án thế chấp phải được hiểu là việc bình thường chứ không phải có vấn đề", ông Châu nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng công bố thông tin là rất tốt nhưng thực tế các tổ chức tín dụng quy định rất ngặt ngèo điều này. Đa phần các ngân hàng không được phép công bố ai là người đứng ra thế chấp, thế chấp để vay hay bảo lãnh một món nợ cho một người thì không có, chỉ được tiết lộ bên cho vay là ngân hàng nào đứng ra nhận thế chấp. Ngân hàng phải bảo mật thông tin đó cho khách hàng của mình.

"Vấn đề ở đây là làm sao thông tin đó đến dược với người dân. Những thông tin cần phải cập nhật từng giờ, từng giây vì những giao dịch diễn ra liên tục", TS. Hiếu nói.

Ông Hiếu đề nghị có hai nơi, đó là Ủy ban nhân dân địa phương và văn phòng công chứng. Tuy nhiên, hiện việc đến hai cổng này rất khó để người dân tiếp cận. Một số khách hàng của ngân hàng đến nhờ ngân hàng, một số ngân hàng may mắn tìm được thông tin nhờ quan hệ riêng thôi. Đại bộ phận dân chúng rất khó để tiếp xúc được hai cửa ngõ đó. Cần có những cơ quan có những thông tin và họ sẵn sang cung cấp thông tin cho dân chúng.

Về vấn đề này, ông Châu cho biết thêm Luật quy định là doanh nghiệp phải công bố thông tin. Doanh nghiệp lên sàn thì còn chịu áp lực bắt buộc theo quy định của doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn doanh nghiệp chưa lên sàn. Dù trong Luật Kinh doanh BĐS quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin là bắt buộc, nhưng cơ quan nhà nước cũng cần có sự tham gia. Bởi hiện tại nghĩa vụ cung cấp thông tin vẫn mang tính thụ động nhiều hơn là chủ động, trong khi nhu cầu của người cần kiếm thông tin vô cùng lớn. Nhưng việc chủ động cung cấp thông tin thì lại có bất cập là mỗi đợt công bố cách nhau quá xa.

Theo ông Châu thì vẫn nên theo hướng cơ quan nhà nước phải tham gia công bố thông tin. Bởi vì, công bố thông tin là loại hình dịch vụ công, cơ quan nhà nước nên đứng ra công bố thông tin, chứ không nên để doanh nghiệp công bố vì họ chỉ công bố một số thông tin có lợi cho họ. Chúng ta cần một cơ quan quản lý giám sát việc công bố thông tin để thị trường được minh bạch hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top