Nhằm đưa vốn ưu đãi đến tận tay người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng từ tiến độ, đến số lượng giải ngân...
Các ngân hàng cũng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Số lợi nhuận bị cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng
PV: Thưa Phó Thống đốc, vào giữa tháng 7/2021 vừa qua, 16 ngân hàng thương mại lớn đã đồng thuận cam kết giảm lãi suất sau lời hiệu triệu của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Vậy Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để gói hỗ trợ thật sự đi vào cuộc sống, thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Ngoài các biện pháp cơ cấu các khoản nợ, lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này.
Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng khoảng 18.830 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho doanh nghiệp là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm đồng hành cùng doanh nghiệp giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho doanh nghiệp bằng 2 cách. Một là, tiết giảm chi phí hoạt động, 2 là chia sẻ từ nguồn lợi nhuận.
Mới đây nhất, 16 tổ chức tín dụng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đã đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Đáng chú ý, lần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Chưa điều chỉnh lãi suất điều hành
PV: Vừa qua có một số đề xuất giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất điều hành để gián tiếp có thêm nguồn vốn “giá rẻ” hơn bơm ra nền kinh tế, vậy quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đối với đề xuất này, thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Ngân hàng Nhà nước luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay có sự thay đổi đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Bởi lẽ, khi đưa ra quyết định thay đổi không chỉ theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan của nền kinh tế.
Để đưa ra mức độ, thời điểm điều chỉnh phải tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được những yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của ngân hàng thương mại.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định, tương đối phù hợp với diễn biến thực tế. Việc duy trì lãi suất tiền gửi như hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Hơn nữa trong điều kiện thực tế hiện nay, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, hay đúng hơn thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào thể hiện qua lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Chưa kể, cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng cao trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc giảm hệ thống lãi suất điều hành chưa thích hợp.
Tuy nhiên, với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.
Cần sự đồng thuận của các bên liên quan
PV: Sau thời gian triển khai Thông tư 01, Thông tư 03, có không ít ngân hàng, doanh nghiệp phản ánh về cơ chế hỗ trợ còn vướng mắc khi triển khai, đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Vậy Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gì để khắc phục những tồn này không thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 01, 03 để sớm ban hành trong thời gian tới.
Các Thông tư trước đây được ban hành trong bối cảnh khác hiện nay. Ví dụ, Thông tư 03 được ban hành khi dịch COVID-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động bình thường nhưng đến nay, tình hình không như vậy. Hiện nay, đặt trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau tháng Tám, thì đến hết năm, các doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại được.
Ngân hàng Nhà nước đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các chính sách theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: Mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4…
Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán bảo đảm hài hoà, giải quyết nhiều vấn đề đặt ra như giãn, hoãn thế nào, kéo dài bao lâu, thời điểm nào, trích lập dự phòng rủi ro thế nào? Đây là bài toán không đơn giản, phải đáp ứng “thước đo kép,” hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm không để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai.
Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách.
Để đạt các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành trong cơ cấu lại các khoản nợ lãi, khoản tín dụng doanh nghiệp khó khăn chưa trả được. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng rất cần sự phối hợp, đồng thuận của các bộ, ngành khác để các văn bản, chính sách liên quan đến tái cơ cấu, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại được đồng bộ, phát huy hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!