Aa

Sẽ khởi công sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long vào tháng Bảy

Thứ Sáu, 19/06/2020 - 08:00

Với tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng, mặt cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa triệt để những hư hỏng để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông êm thuận qua cầu.

Dù đã trải qua nhiều đợt sửa chữa, những vết rạn nứt vẫn xuất hiện trên mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tháng 7/2020, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành khởi công sửa chữa triệt để những hư hỏng mặt cầu Thăng Long và hoàn thành vào quý 4/2020.

Theo ông Huyện, hiện nay, Tổng cục Đường bộ đã thông báo mời thầu, một tuần nữa sẽ có kết quả đấu thầu qua mạng và sau đó sẽ làm các thủ tục để chọn nhà thầu khởi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

“Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng. Giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu lần này là sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận,” ông Huyện nói.

Đặc biệt, trong lần sửa chữa lần này, Tổng cục cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng để khi sửa xong sẽ tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm.

"Công nghệ này được Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng," ông Huyện nhấn mạnh.

Trước khi khởi công, Tổng cục Đường bộ sẽ có thông tin về phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu. Tổng cục sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Việt Nam giám sát quá trình thi công.

Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư dự án lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long. Tổng kinh phí dự án được đề xuất khoảng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì đường bộ.

Theo đó, hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ được lắp đặt trên 2 chiều đường, có thể lắp đặt ở đầu cầu phía Bắc hoặc phía Nam; sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long.

Tốc độ xe qua cân được thiết kế nhỏ hơn 80 (phù hợp với tốc độ xe cho phép khi qua cầu). Sai số cho phép nhỏ hơn 5% cho mọi tốc độ trong phạm vi nêu trên. Hệ thống cân sẽ được vận hành tự động, và kết nối với phần mềm quản lý tập trung dữ liệu kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ. Hệ thống cân đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu 10 năm.

Thông qua kết quả cân, lực lượng chức năng sẽ căn cứ để xử “phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Được biết, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu. Sau một thời gian khai thác, lớp bêtông nhựa bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bêtông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Trong giai đoạn năm 2012 - 2013, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bêtông nhựa polyme. Thế nhưng, sau một thời gian có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo1 dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bêtông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông. Gần đây, mưa nhiều phát sinh hư hỏng nhưng đã được sửa chữa đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do mưa liên tục nên các vị trí sửa không được phẳng nhẵn. Các đơn vị duy tu đã khắc phục miếng vá lồi./.

Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2m.

Phần cầu dẫn bêtông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng măt 16,5m (diện tích 23.562m2).

Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top