Sáng 5/7, Kỳ họp thứ 4, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã họp phiên chất vấn các vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm.
Mở đầu buổi chất vấn, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng cho biết, theo chương trình kỳ họp, UBND TP sẽ báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 tới các đại biểu. Sau đó, HĐND TP sẽ dành thời gian để các đại biểu thực hiện chất vấn và tái chất vấn.
Sang phần tái chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi quanh các vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) chất vấn về lĩnh vực trật tự xây dựng, theo số liệu có 985 công trình xây dựng vi phạm có hồ sơ đã được chuyển đến các cấp chính quyền. Tại phiên chất vấn kỳ họp tháng 12/2016 đã có chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm xây dựng. Giải pháp thời gian tới của UBND TP cho việc này?
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) chất vấn về việc hiện nay tại một số khu đô thị mật độ sử dụng đất tăng, không đáp ứng được vấn đề thiết yếu dân sinh, vậy biện pháp khắc phục thế nào?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị, xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng công trình phụ trợ thành nhà ở... trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu?
Trả lời chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Châm cho biết, do những nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý nhà nước ở một số thôn, xóm còn yếu kém dẫn đến những vi phạm. Theo ông, có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm.
Nói về những sai phạm cụ thể tại xã Hải Bối, ông cho biết, trách nhiệm trực tiếp thuộc chính quyền cơ sở. Thứ nữa, thuộc trách nhiệm UBND huyện trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm. Sau vụ việc, UBND huyện đã rút kinh nghiệm. Thời gian tới sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại này.
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Đông Anh) nêu vấn đề tái diễn trật tự vi phạm không chỉ ở các tổ chức cá nhân, hộ gia đình mà còn ở các tổ chức phát triển nhà ở. Trong kỳ họp thứ 3 đã có những minh chứng rõ nét về tình trạng một số chung cư xây dựng sai phép. Hồ sơ một số vụ việc đã chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Xin hỏi đồng chí Giám đốc CATP, tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra cũng như việc cần thiết để khởi tố của các công trình sai phạm này đã được làm đến đâu?
Trả lời vấn đề trên, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra TP đã chuyển sang cho Công an TP điều tra làm rõ vi phạm pháp luật của một số đơn vị, trong đó điển hình là Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên do ông Thản làm Chủ tịch.
“Đây là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn TP. Hà Nội (khoảng 12 dự án). Các dự án này qua điều tra đều thấy có dấu hiệu về tội trốn thuế, và có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.
Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an TP đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của Thanh tra TP xử lý vụ việc trên, tuy nhiên Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước.
“Vì vậy, trong qua trình điều tra, chúng tôi cũng phải phối hợp chặt chẽ với C46 của Bộ Công an để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói thêm.
Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, nếu để cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố thì sang tuần sau sẽ làm.
“Sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can. Còn Bộ quyết định để Cục C46 khởi tố chung vi phạm ở 21 địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi đã điều tra, xác minh cho Bộ giải quyết”, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết.