Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Vì thế, nếu xử lý công trình vội vã mà làm nảy sinh vấn đề khác mất an toàn thì hết sức phức tạp, do vậy cơ quan chức năng cần thường xuyên bám sát địa bàn.
“Sở Xây dựng cùng quận phải có giải pháp thiết kế an toàn, rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Trong khi đó, theo báo cáo của Quận ủy Ba Đình, đến thời điểm này, quận đã hoàn thành giai đoạn một việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Thành ủy và UBND TP.
Tính đến ngày 31/10/2016, quận đã phá dỡ xong sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột. Hiện đang chỉ đạo xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn hai.
Liên quan đến vấn đề này, giáp Tết Nguyên đán vừa qua, sau khi phá dỡ xong tầng 19, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc bất ngờ có văn bản gửi đến các cấp, ngành và đơn vị chức năng của Hà Nội xin dừng thi công phá dỡ giai đoạn hai phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội).
Theo đơn vị này, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn hai rất khó khăn. Vì phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực.
Do đó, vào ngày 10/10/2016, Phương Bắc đã có công văn đề nghị đơn vị thiết kế tòa nhà, thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn hai, đồng thời xin sự đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng về kết cấu và kiến trúc của tòa nhà. Nếu thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn hai được đánh giá là tuyệt đối an toàn, trên cơ sở đó, Phương Bắc sẽ hoàn chỉnh biện pháp thi công, phá dỡ để trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt. Nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn hai.
“Từ những lý do trên, chúng tôi nhận thấy việc phá dỡ giai đoạn hai nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn rất cao. Do vậy, Phương Bắc xin ý kiến đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn hai công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Đồng thời, xin được tháo dỡ cẩu trục tháp và vận thăng lồng tại công trình do vị trí lắp đặt cẩu trục thuộc khu vực nhiều dân cư và giao thông đông đúc trên tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học, nếu không tiến hành tháo dỡ sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro và mất an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường xung quanh cũng như sinh sống trong khu vực liền kề với tòa nhà”, văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc viết.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Reatimes, PGS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với mỗi công trình bao giờ cũng có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Nếu cần thiết phải tính toán lại khả năng chịu lực, chứ không thể đưa ra lý do không làm được.
Đề cập cụ thể đến việc “xén” phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, PGS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thông thường nếu cắt từ trên xuống bao giờ cũng an toàn và phía dưới sẽ không phải chịu tải.
“Về nguyên tắc của kết cấu, bao giờ người ta cũng có phương án dự phòng, đảm bảo cho việc gia cố, sửa chữa hay cải tạo. Tuy nhiên, thông thường cắt từ trên xuống bao giờ cũng an toàn. Ngay cả việc xử lý kết cấu, người ta cũng hoàn toàn làm được”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông, theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế, chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép. |