"Con gà đẻ trứng vàng" đắt đỏ
Shophouse là loại hình căn hộ nhà ở kết hợp với cửa hàng, đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Việt Nam từ khá lâu nhưng phải đến gần đây mới thực sự tạo nên "cơn sóng ngầm" mới mẻ thu hút được nhiều sự chú ý. Tích hợp chức năng kép vừa sinh sống vừa kinh doanh, các căn hộ Shophouse thường bao gồm 1 tầng trệt và 1 hoặc nhiều tầng phía trên nên người mua có thể sử dụng mặt tiền ở tầng trệt để mở cửa hàng, văn phòng kinh doanh hoặc cho thuê, còn các tầng phía trên có thể dùng làm nhà ở, vừa riêng tư lại thuận lợi để điều hành công việc kinh doanh.
Nổi trội về quy hoạch đồng bộ, vị trí, diện tích và giá trị thương mại... Shophouse nhanh chóng trở thành "con gà biết đẻ trứng vàng" khiến các nhà đầu tư ồ ạt đầu tư vào loại hình này, tranh nhau giành cho mình 'miếng bánh ngon nhất'.
Sức hấp dẫn của Shophouse khiến khách hàng quyết mua bằng được khi biết các chủ đầu tư mở bán. Anh Phạm Thành Tuấn (một nhà môi giới đầu tư bất động sản lâu năm) cho biết: "Thực tế các căn Shophouse đắt hơn nhà chung cư 20 - 100% và người mua chỉ được sở hữu có thời hạn (thường là 50 năm). Thế nhưng vì số lượng cực ít, chiếm trung bình 2% tổng sản phẩm ra thị trường và tính thương mại cao nên các nhà đầu tư rất ưa chuộng và các căn hộ Shophouse vẫn được lùng sục".
Chị Nguyễn Tú Linh ( một người mua tại khu Park Hill) cho biết gia đình chị vừa mua được một căn Shophouse ở vị trí đẹp, dân cư đông nên định dùng để kinh doanh sinh lời. “Nhà tôi đặt mua cạnh tranh được 1 suất. Toàn bộ khu Shophouse được chủ đầu tư tung ra đã hết sạch chỉ trong buổi sáng, ai cũng tranh nhau mua, tỉ lệ 1 chọi 5”, chị Linh chia sẻ.
Cũng theo chị Linh, căn Shophouse vợ chồng chị mua trị giá hơn 4 tỷ đồng, diện tích 50m2. Được biết, mức giá bán các căn Shophouse đều khá đắt đỏ nhưng khách hàng mua vẫn xuất tiền và đặt cọc rất nhanh.
Đánh giá về hiện tượng các nhà đầu tư bất động sản lùng sục các căn Shophouse, ông Lê Phúc Yên (thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam) nói: “Shophouse có tiềm năng thương mại lớn mà mọi nhà đầu tư địa ốc đều muốn. Nằm ở vị trí đất vàng, tính thương mại của dòng sản phẩm này vượt trội hẳn so với phần còn lại của thị trường, giá trị tài sản bền vững và có nhiều cơ hội tăng giá trị theo thời gian. Mô hình này hầu hết chỉ được xây dựng với số lượng hạn chế tại các dự án nhà ở chung cư, hoặc tại một số dự án, khu đô thị lớn”.
Hàng loạt nguy cơ rủi ro cần chú ý
Được đánh giá là hiện tượng dẫn đầu xu hướng đầu tư, đem lại lợi nhuận tối thiểu từ 10-15%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm trong khi độ an toàn tương đương... Shophouse gần như một tài sản được bảo chứng, thách thức thời gian nên dù đắt đỏ đến mấy cũng vẫn được giới đầu tư săn lùng.
Tuy nhiên, chính những lợi thế của Shophouse cũng có thể trở thành nguy cơ rủi ro cho các dự án này. Do được xây dựng theo hướng mặt bằng tầng trệt để kinh doanh nên các vấn đề về kiến trúc, phong cảnh, môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh tại Shophouse.
Bên cạnh đó, anh Phạm Thành Tuấn cũng cho biết, khi mua Shophouse, người mua cần chú ý tới một số yếu tố để tránh gặp những rủi ro như quy mô dự án có Shophouse phải đủ lớn, từ 500 căn hộ trở lên, điều này liên quan trực tiếp đến khả năng tồn tại của các dự án kinh doanh tại Shophouse. Nếu dự án nhỏ, người mua cần xem xét kỹ trước khi đầu tư tiền vào đây, tránh trường hợp kinh doanh khó sinh lợi nhuận. Ngoài ra cũng nên lưu ý đến khả năng tiếp cận của Shophouse tới các khu vực xung quanh, khả năng tiếp cận này phải tốt thì giá trị thương mại mới cao.
Chưa kể người mua nên chú ý tiến độ bàn giao nhà khi mua căn hộ Shophouse bởi nếu chậm bàn giao chỉ một vài tháng cũng có thể khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề về chi phí duy trì mặt bằng thay thế hoặc cho thuê.