Aa

Siết trái phiếu doanh nghiệp khiến áp lực vay vốn dồn sang ngân hàng

Thứ Năm, 28/04/2022 - 06:15

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, nhưng đến hết tháng 3, tăng trưởng tín dụng đạt 5% và tính đến 19/4 ước đạt 6,4%.

Với động thái siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản và nắn lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng những điều này sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng, đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay.

Trong một báo cáo mới phát hành gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2022 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, chỉ tăng nhẹ so với mức tăng 2,5% của tháng 1/2022.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng tháng 2 không thay đổi nhiều so với tháng trước, phù hợp với quy luật nhiều năm khi nhu cầu vay vốn chững lại trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 3, tăng trưởng tín dụng đạt 5% và tính đến 19/4 ước đạt 6,4%.

Song song với diễn biến trên, dư nợ tín dụng của riêng TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 3 triệu tỷ đồng (tương đương 27% dư nợ toàn hệ thống), ghi nhận mức tăng trưởng khá cao khoảng 7% so với đầu năm.

Chuyên gia của VDSC cho rằng mặc dù hoạt động cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản đang bị siết lại, song hiệu ứng từ việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng, đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn so với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (1,81%). Thống kê cũng cho thấy tiền gửi từ các tổ chức kinh tế tới cuối tháng 2 tiếp tục ghi nhận mức giảm 0,16% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi dân cư tăng 3,01%, một phần nhờ vào việc một số ngân hàng thương mại thực hiện tăng lãi suất cũng như các chương trình khuyến mại đầu năm để thu hút tiền gửi.

Việc tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong khi tiền gửi từ các tổ chức kinh tế bị rút ra cho thấy nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế được mở cửa hoàn toàn trở lại. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng hơn trong thời gian qua.

Thêm vào đó, với gói cấp bù lãi suất 2% cho hai năm 2022 - 2023 đang được hoàn thiện để triển khai với tổng quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng. Do đó, BVSC đánh giá tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và có thể đạt mức tăng 15% cho cả năm 2022.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng ước tính trong năm 2022, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh từ 15 - 16% so với cùng kỳ. Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7 - 15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng.

Trong đó, các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI có mức tăng trưởng tín dụng cuối quý 1 đã tăng khoảng 2 - 10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ bao gồm CTG, BID, MBB, HDB và TPB.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, tuy nhiên có thể điều chỉnh linh hoạt tùy vào nhu cầu thực tế của thị trường; đồng thời sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top