Aa

Khơi thông thị trường vốn để ngân hàng không phải “gánh còng lưng“ nguồn vốn trung và dài hạn

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 27/04/2022 - 11:59

Để các DN trong đó có DN BĐS gia tăng tính chủ động thay vì phụ thuộc vào các ngân hàng, việc duy trì một thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả bảo vệ quyền lợi của DN và các nhà đầu tư là rất cần thiết.

LTS: Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường và đó là điều quan trọng để cơ chế thị trường phát huy tác dụng.

Ở các nước phát triển, yêu cầu và định hướng khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản là một ưu tiên chính sách. Chính vì vậy, tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội thường chiếm ít nhất trên 35% tổng tài sản vật chất của mỗi nước. Các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Nguồn vốn cho thị trường bất động sản rất đa dạng như: Nguồn vốn từ tín dụng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, FDI, quỹ đầu tư.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nguồn vốn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển dần trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường này.

Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

Để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch, một mặt góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, mặt khác, tạo tiền đề cho những ngành kinh tế liên quan tăng trưởng, bên cạnh việc cần tập trung đảm bảo nguồn vốn, ưu đãi tín dụng cho vay bất động sản, với điều kiện ít nhất không thấp hơn so với tín dụng cho các ngành, lĩnh vực khác; cần tạo điều kiện để phát triển trái phiếu doanh nghiệp bất động sản an toàn và lành mạnh.

Ở các nước phát triển trên thế giới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ huy động vốn phổ biến, đặc biệt là của những doanh nghiệp lớn, có uy tín.

Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp khắc phục được nhược điểm của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là phù hợp hơn với tính chất trung và dài hạn của nguồn vốn tài trợ cho kinh doanh bất động sản. Nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thì lãi suất huy động còn có thể thấp hơn nữa do tận dụng được ưu thế của tài chính trực tiếp so với tài chính gián tiếp.

Bên cạnh đó, cần nhận diện và có giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và mạnh dạn có cơ chế thí điểm trong việc phát triển các nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là với những loại hình mới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng phát sinh một số vấn đề và thông tin tiêu cực. Tuy chỉ là những hiện tượng cá biệt song đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, gây hoang mang cho các nhà đầu tư và công tác phát hành trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản chân chính. Vấn đề này cần được kịp thời tháo gỡ, làm sáng tỏ tính chính đáng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và sự ổn định cho thị trường.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam. 

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Theo các chuyên gia, bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, tuy nhiên, hiện nay, khoảng 70% vốn đầu tư vào lĩnh vực này dựa vào vốn vay ngân hàng và 90% doanh nghiệp vẫn trông đợi vào nguồn vốn này. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) đã phát triển mạnh và cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn với mức lãi suất thấp hơn tín dụng thương mại cho các doanh nghiệp.

Do phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng nên từ năm 2019, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp siết chặt tín dụng theo lộ trình, lãi suất cho vay bắt đầu được đẩy lên ở mức cao 11 - 12%/năm; nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%…, các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thách thức lớn về nguồn vốn.

Để có thể tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển từ trạng thái bị động, dựa vào vốn ngân hàng sang chủ động tìm kiếm các dòng tiền mới. Trong đó, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh. Tùy theo từng năm, giá trị trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 30 - 35% tổng giá trị trái phiếu toàn thị trường và trở thành nguồn vốn huy động ưa thích của doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường đang bị lung lay, bất ổn định từ việc thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu và cổ phiếu của một số doanh nghiệp. Động thái có phần siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu của cơ quan quản lý đã khiến “cửa” huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản càng thu hẹp lại. Cả hai nguồn vốn chủ lực là vốn tiền tệ và vốn huy động từ thị trường trái phiếu đều bị “siết” lại khiến con đường tìm vốn để đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp bất động sản càng trở nên chật vật.

Khi niềm tin trên thị trường bị lung lay

Chia sẻ với Reatimes, TS. Bùi Quý Thuấn, Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, và việc kiểm tra, giám sát không được đẩy mạnh. Việc xử lý các sai phạm là cần thiết để góp phần thanh lọc thị trường tuy nhiên, sự can thiệp có phần muộn màng khi “sự đã rồi” mới vào cuộc xử lý đã gây ra nhiều hệ lụy không đáng có cho các nhà đầu tư và cả các doanh nghiệp chân chính.

“Một vài vụ việc xử lý sai phạm của các lãnh đạo doanh nghiệp vừa rồi giống như hành động “chữa cháy”. Cơ quan quản lý Nhà nước đã cho họ làm rồi, bây giờ phát hiện ra sai ở khâu nào đó thì mới quay lại xử lý, truy tố các sai phạm. Lúc này, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều thiệt hại.

Cơ quan Nhà nước phải quản lý và kiểm soát ngay từ đầu khi một doanh nghiệp bắt đầu phát hành trái phiếu hay bán cổ phiếu, chứ không phải đến khi mọi chuyện đã xong, các doanh nghiệp hình thành quan hệ dân sự với nhà đầu tư mới bắt đầu kiểm tra, xử lý. Nếu vậy thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường”, TS. Bùi Quý Thuấn nhận định.

TS. Bùi Quý Thuấn, Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển

Theo TS. Bùi Quý Thuấn, trên thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng, yếu tố niềm tin của nhà đầu tư rất quan trọng, nhất là khi đa phần các nhà đầu tư hiện nay đang thiếu chuyên nghiệp, tâm lý đám đông bao trùm. Nếu không tạo được niềm tin và tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư thì thị trường sẽ rất dễ đổ vỡ.

“Trên thị trường vốn hiện nay, các nhà đầu tư chủ yếu giao dịch dựa vào niềm tin. Không phải nhà đầu tư nào cũng có kiến thức và kinh nghiệm để có thể đánh giá được tiềm năng và mức độ rủi ro của cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp mà mình mua. Để duy trì được niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường thì kinh tế vĩ mô và các điều tiết chính sách phải ổn định, chỉ cần một “cú sốc” nào đó sẽ làm mất niềm tin ngay”, TS. Bùi Quý Thuấn nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư như gặp phải “ác mộng sau giấc ngủ trưa” khi thị trường có nhiều xáo động liên quan đến một vài vụ việc sai phạm của các lãnh đạo doanh nghiệp. Và thực tế, niềm tin của các nhà đầu tư bị lung lay khi họ không hiểu tại sao lại có những sai phạm ấy khi đã có những quy định pháp luật. Việc khởi tố một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã ngay lập tức ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, bản thân cổ phiếu, trái phiếu đó và cả tâm lý thị trường nói chung. Lo lắng, sốt ruột, họ ùn ùn kéo đến muốn rút vốn, trong khi doanh nghiệp đã giải ngân số tiền huy động được để phát triển các dự án hoặc phục vụ cho việc đầu tư. Trái phiếu hay cổ phiếu là kênh huy động vốn trong trung và dài hạn phục vụ cho mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp. Nên rõ ràng, khi nhà đầu tư đòi rút vốn ngay, doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để hoàn trả.

TS. Bùi Quý Thuấn cho rằng, khi tâm lý của các nhà đầu tư bị lung lay, dù chỉ trong ngắn hạn, các thị trường cổ phiếu đã có dấu hiệu sụt giảm, các doanh nghiệp khó khăn hơn trong phát hành trái phiếu khi nhà đầu tư thấy rõ rủi ro và ồ ạt quay lưng với các kênh đầu tư này. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi và phát triển sau tác động của đại dịch, đặc biệt là với những doanh nghiệp cần vốn lớn như bất động sản, khó khăn trong huy động vốn sẽ khiến các hoạt động đầu tư, phát triển của doanh nghiệp bị tắc nghẽn. Và với một lĩnh vực có liên đới tới nhiều ngành nghề và có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia như bất động sản, khi thiếu vốn và thị trường nguội lạnh, thiếu nguồn cung sẽ gây bất ổn xã hội, giá nhà tăng cao, nhu cầu nhà ở của người dân không được đáp ứng.

Doanh nghiệp bất động sản
Để triển khai các dự án quy mô lớn, đa tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân cũng như góp phần cải thiện diện mạo đô thị, các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đó phải là nguồn vốn trung và dài hạn. (Ảnh minh họa)

Củng cố niềm tin bằng "thuốc" minh bạch và tạo ra "sân chơi" an toàn, lành mạnh

TS. Bùi Quý Thuấn nhận định, Nhà nước phải tạo ra sân chơi công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp dựa trên khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ nhất định, nhưng không can thiệp quá sâu vào các yếu tố khách quan của nền kinh tế thị trường hay hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

“Việc một vài doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm không tác động nhiều đến thị trường vốn bởi quy mô của thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, thì chỉ cần một vài gợn nhỏ đã có thể bị ảnh hưởng tới niềm tin và làm lung lay ý chí.

Khi thị trường đang sóng yên biển lặng, lại tiếp tục thanh tra, kiểm tra, và lại có sai phạm thì chắc chắn sẽ có biến động. Do đó, vai trò quản lý của Nhà nước cần được đề cao, phải làm sao để các doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chứ không phải tạo kẽ hở hay dung túng cho doanh nghiệp làm sai sau đó mới thanh tra, xử lý”, TS. Bùi Quý Thuấn nói.

Thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính… đã đưa ra những thông điệp rất kịp thời để ổn định thị trường chứng khoán và cả thị trường bất động sản khi phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời gian qua là các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Các chính sách, thông điệp đưa ra nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng, ổn định, không quá nóng, cũng không quá lạnh. Nếu như quá lạnh, doanh nghiệp không huy động được vốn, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi lại không biết đầu tư vào đâu.

“Nhà nước phải làm tốt vai trò trọng tài, cảnh báo sớm, kịp thời, khi có sai phạm phải xử phạt nghiêm. Sự can thiệp nên diễn ra thường xuyên và sớm hơn nhưng phải thông qua các biện pháp và công cụ cảnh báo, giám sát chuyên nghiệp, không can thiệp bằng biện pháp hành chính. Bởi nếu dùng mệnh lệnh hành chính để quản lý thì sẽ gây ra rất nhiều những hệ lụy, cụ thể là làm cho thị trường nguôi lạnh.

Quy định pháp luật và việc thực thi quá cứng nhắc, hay quá thắt chặt sẽ khiến các doanh nghiệp không dám làm, các nhà đầu tư cũng không dám đầu tư. Giả sử như tháng nào cũng ồ ạt thanh tra, giám sát từng hoạt động của doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm kìm hãm sự phát triển của thị trường và tâm lý của các nhà đầu tư. Nếu pháp luật không rõ ràng, gây ra rủi ro doanh nghiệp thì ai cũng sẽ sợ sai, sợ vi phạm mà không dám làm nữa”, TS. Bùi Quý Thuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế của Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, cần coi những vụ việc trong thời gian vừa qua như là cơ hội để lành mạnh thị trường. Các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy khi thị trường còn non trẻ. Tuy nhiên, cần sớm giải quyết những vụ việc để khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin vào thị trường.  Đồng thời, trong thời gian tới, khung pháp lý cho thị trường vốn cần tiếp tục hoàn thiện.

“Chúng ta kiến tạo phát triển nhưng vẫn phải kiểm soát rủi ro. Đây là quan điểm rất quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Thị trường vốn cần cân đối, hài hòa với thị trường tiền tệ

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thị trường vốn là kênh huy động, phân bổ vốn trung, dài hạn cho Chính phủ, doanh nghiệp, giúp phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính, giảm áp lực cho vay trung dài hạn đối với các ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường vốn đa dạng hóa kênh đầu tư cho Chính phủ, người dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa nền tảng nhà đầu tư và sản phẩm tài chính trong nước và quốc tế, qua đó giúp phát triển hệ thống tài chính. Đồng thời giúp huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, tổ chức và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phục vụ cân đối ngân sách, sản xuất kinh doanh, giúp giảm hiện tượng vàng hóa, đô la hóa, tệ nạn tín dụng đen trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường vốn và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Chính vì thế, cần phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện.

Theo đó, tồn tại lớn nhất là thị trường tiền tệ chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn; trong khi đó thị trường vốn (thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu) chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững.

Vốn trung và dài hạn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sức ép và rủi ro đối với tổ chức tín dụng (khi về nguyên lý là chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn) và có thể gây rủi ro đối với nền kinh tế.

Thực tế này được Thủ tướng ví như một người muốn gánh được hàng hóa cần phải để cân xứng hai đầu, nếu lệch sẽ đi chậm, hoặc không đi được, ngân hàng không thể gánh được phần lớn vốn trung hạn và dài hạn. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển cân đối, hài hòa giữa các thị trường (vốn và tiền tệ) là một bài toán chúng ta cần có lời giải.

Liên quan đến vấn đề này, cũng tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định, kinh tế thị trường không thể thiếu thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện của một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Khi tạo lập và thúc đẩy thị trường vốn sẽ khiến nền kinh tế phát triển. Doanh nghiệp phải tiếp tục được tạo điều kiện để huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phải khắc phục sự mất cân đối với thị trường tiền tệ.

TS. Bùi Quý Thuấn cũng nhìn nhận, hiện nay thị trường tiền tệ vẫn lớn hơn so với thị trường vốn rất nhiều, tạo ra sự chênh lệch rất lớn. Các doanh nghiệp hầu như vẫn phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Với những doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn như các doanh nghiệp bất động sản, chỉ dựa vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng là không đủ, còn vốn trung và dài hạn của ngân hàng thì rõ ràng lãi suất, hệ số rủi ro rất cao. Không có thị trường vốn thì doanh nghiệp rất khó phát triển. Do đó, cần phải tạo thế cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, mở rộng quy mô, đưa thị trường vốn từ cận biên lên mới nổi. Việc tạo cán cân cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ theo hướng không quá thắt chặt cũng không nới lỏng sự phát triển của thị trường chứng khoán, trái phiếu, theo TS. Bùi Quý Thuấn, không chỉ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp mà còn giảm gánh nặng, rủi ro cho hệ thống ngân hàng. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường trái phiếu của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

“Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).

Do đó, việc thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Theo TS. Bùi Quý Thuấn, để gia tăng quy mô và đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, giảm thiểu rủi ro cho thị trường vốn, đặc biệt là kênh trái phiếu, việc có giải pháp để gia tăng các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường là yêu cầu cấp thiết. Nhà đầu tư chuyên nghiệp mới không bị tâm lý đám đông chi phối các quyết định đầu tư, và không bị những xáo trộn ngắn hạn trên thị trường ảnh hưởng.

“Thị trường trái phiếu lẽ ra chỉ phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp (các công ty tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tín thác, công ty bảo hiểm), bởi nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không đủ kiến thức, kinh nghiệm để có thể thể nhận định được đâu là trái phiếu nên đầu tư.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ huy động tiền từ các nhà đầu tư cá nhân và mua những trái phiếu dựa trên các đánh giá về tiềm năng, lợi nhuận và mức độ rủi ro, sau đó trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, cần phải sửa đổi để quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trong một hạn mức nhất định để có thể hạn chế rủi ro. Nếu muốn đầu tư lớn, phải thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, TS. Bùi Quý Thuấn nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, cần đẩy mạnh xếp hạng định mức tín nhiệm doanh nghiệp và bổ sung kịp thời, điều chỉnh các quy định pháp lý về phát hành trái phiếu, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh nhưng đồng thời phải hạn chế các rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư. Bản chất của trái phiếu là rất tốt, là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng và không thể thiếu đối với các doanh nghiệp hiện nay. Và thị trường này còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng và phát triển. Do đó, khi thị trường có sự cố, không nên đổ lỗi cho trái phiếu, mà cần nhìn nhận lại công tác quản lý, điều hành cũng như tính hiệu quả, khả thi của các chính sách pháp luật có liên quan. 

Chung quy lại, theo các chuyên gia, chính sách không nên quá chặt chẽ, làm cản trở sự phát triển của thị trường nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để các cá nhân và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cũng cần ổn định và nhất quán để không làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh. Đó là cách để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài dòng chảy này.

Ảnh minh họa (IT)

Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2002/QH13 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đang được Chính phủ quyết tâm thực hiện hiệu quả.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2022, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 - 2022. Các cân đối lớn được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Đây là những con số ý nghĩa để minh chứng tín hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế, huy động và sử dụng vốn đầu tư góp phần cho cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo. Đồng thời, những chỉ số kinh tế nói trên cũng mang lại niềm tin cho nhân dân, cho cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp trong, ngoài nước, là con số của niềm tin, niềm vui, của sự lạc quan về phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022.

“Các chỉ báo kinh tế của Việt Nam hiện nay đang rất tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng, nguồn kiều hối tăng, các chính sách - tài khóa tiền tệ đang có sự hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch. Kinh tế phục hồi và phát triển tốt thì sẽ tạo ra hiệu quả trong các hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, thị trường vốn vẫn sẽ có khả năng tăng trưởng tốt do có vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Sự sụt giảm trên thị trường trong thời gian qua chỉ mang tính thời điểm, cục bộ do tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Do đó, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt đánh giá dựa trên các chỉ số về kinh tế và tiềm năng của thị trường chứng khoán để đưa ra quyết định duy trì đầu tư hay bán tháo thay vì chỉ dựa vào một vài vụ việc trên thị trường”, TS. Bùi Quý Thuấn khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top