Chung cư tan hoang trong gió bão
Bỏ ra hàng tỉ đồng để sở hữu một căn hộ chung cư, bất kì ai cũng mong muốn đó sẽ là tổ ấm an cư, là nơi bão dừng sau cánh cửa. Thế nhưng, rất nhiều hộ gia đình lại đang hoang mang với lựa chọn nơi an cư của mình sau khi chứng kiến sức tàn phá của siêu bão Yagi.
Tại Hà Nội, Quảng Ninh cửa kính nhiều căn hộ chung cư đã bị gió thổi bay, vỡ vụn trong sự ngỡ ngàng của người dân. "Mỗi đợt gió lớn, vách kính lại lung lay, rung lên bần bật như muốn bong ra khỏi cửa. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như thế", chia sẻ của chị Hạnh Dung, hiện đang sinh sống tại một chung cư tại Quảng Ninh.
Còn theo chị Thu Phượng, sinh sống tại tầng 15 của một căn hộ chung cư trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội: Nhà chỉ có tôi và 3 con nhỏ, cứ ngỡ ở yên trong nhà là xong, ai ngờ khi bão đổ bộ, gió rít lên từng hồi khiến cửa sổ rung lắc, nước thấm qua kẽ hở, các mảng trần thạch cao cũng rơi rụng từng mảng. May mắn cả 4 mẹ con đều không sao. Tối đó, tôi phải qua nhà hàng xóm tá túc, thấp thỏm chờ bão qua".
Không chỉ các căn hộ chung cư, gió bão cũng gây hư hại cho nhiều công trình trụ sở, khách sạn tại nhiều địa phương. Tại Quảng Ninh, nhiều khách sạn cao cấp bị sức gió lớn gây vỡ kính, thậm chí có công trình cả tấm vách kính bao mặt đứng bị gió bão làm đổ sập.
Song song với việc khắc phục hậu quả nặng nề do bão Yagi để lại, có lẽ cũng đến lúc cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi về chất lượng của các công trình chung cư, khi nhà đúng ra phải là nơi trú ẩn an toàn, bỗng chốc lại trở thành nơi thấp thỏm lo âu.
Phép thử cho Chất lượng thi công công trình xây dựng
Siêu bão Yagi thực sự là một bài kiểm tra nghiêm khắc đối với chất lượng các công trình chung cư, nhà cao tầng. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định một trong số các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cửa kính bị thổi bay tại các căn hộ chung cư trong siêu bão là do thiết kế kết cấu, chất lượng cửa kính và công tác thi công. Bất kể một toà nhà hay một công trình nào đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào. Đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... để đảm bảo an toàn.
Tại Hải Phòng – một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão, nhiều người không khỏi bất ngờ khi tòa chung cư với độ cao hơn 150m với 39 tầng tại ngã tư đón gió Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm với mặt dựng full kính lại không bị thiệt hại nặng nề.
"Gia đình tôi mới dọn về tòa tháp Diamond Crown Hai Phong sinh sống chưa bao lâu. Thật sự lúc nghe tin siêu bão Yagi tôi cũng lo lắng lắm, công trình cũng mới, chưa biết chất lượng như thế nào. Lúc tâm bão đi qua, chứng kiến tòa nhà của một cơ quan đối diện, mặt kính đổ sập mà tôi vô cùng sợ hãi. Thế nhưng may mắn, ở đây vẫn an toàn, vững chãi, chỉ có một vài nhà bị vỡ kính vì lực va đập. Thật sự cơn bão này chính là một bài kiểm tra đối với chất lượng các chung cư", anh Đỗ Văn Bình, cư dân sinh sống tại đây cho biết.
Dù đón bão trực diện nhưng một số công trình như Diamond Crown Hai Phong tại Hải Phòng; Hanoi Aqua Central, Vinhomes Metropolis tại Hà Nội ... ít bị ảnh hưởng lớn, không có thiệt hại về người, thiệt hại về vật chất cũng không đáng kể so với tình hình chung.
Lý giải về điều này, đại diện Coteccons cho biết: "Khi thiết kế, thi công, nhiều công trình đều được tính toán rất cẩn thận về kết cấu và vật liệu để đảm bảo tính an toàn trong các trường hợp rủi ro như thiên tai, bão lũ. Ví dụ như một công trình chúng tôi thi công như Diamond Crown Hai Phong với hệ Diagrid vững chãi, giúp công trình chịu tải trọng gió tốt, đảm bảo an toàn khi có sự cố. Toàn bộ hệ cột diagrid được lên phương án thi công bằng công nghệ BIM giúp tính toán được các bước thi công đảm bảo tính chính xác, cũng như chất lượng công trình giúp tòa nhà có thể vững chãi vượt qua các "bài test" một cách an toàn."
Đại diện chủ đầu tư DOJILAND cũng chia sẻ tại Diamond Crown Hai Phong, hệ kính façade mặt ngoài là hệ kính hộp cường lực phủ Low E, với hệ khung áp dụng công nghệ cao, kết hợp với kết cấu Diagrid vững chãi đã giúp tăng khả năng chịu lực, tiếp nhận áp lực gió của công trình, kể cả khi trong tâm bão giật cấp cao nhất.
Theo các chuyên gia, có thể một cơn bão không thể lấy làm tiêu chí để đánh giá tất cả chất lượng chung cư. Tuy nhiên, cơn bão Yagi cũng chính là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về chất lượng xây dựng hiện nay. Nếu như có thêm nhiều công trình điểm sáng hơn nữa sau mỗi đợt thiên tai mới là điều đáng mừng.
Do đó, cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các công trình chung cư hiện hữu, phải đảm bảo chất lượng xây dựng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và để người dân yên tâm tuyệt đối yên tâm rằng bão sẽ dừng sau cánh cửa./.