Aa

Siêu bão Yagi và tiếng chuông cảnh báo: Đã đến lúc cần điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Bảy, 21/09/2024 - 15:10

Siêu bão Yagi không chỉ để lại những mất mát to lớn về người và của, mà còn phơi bày sự mong manh của các công trình xây dựng trước sức mạnh thiên nhiên. Từ những ngôi nhà đổ sập đến những chung cư cao tầng hư hỏng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết xem xét và điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế, xây dựng hiện hành.

Cơ sở hạ tầng oằn mình trước sức mạnh thiên nhiên

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố đã chỉ ra, tính chung 8 tháng năm 2024, thiên tai đã làm 147 người chết và mất tích, 104 người bị thương, 32.900 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, 259.300 con gia súc, gia cầm bị chết, 30.800ha hoa màu và 84.500ha lúa bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 3.374,6 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ năm 2023

Siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho Việt Nam về người và tài sản, đồng thời để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và cơ sở hạ tầng. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại.

Tại đảo Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), hơn 4.000 công trình, bao gồm nhà hàng, khách sạn, ki-ốt, nhà dân và trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học bị tàn phá nặng nề. Hậu siêu bão Yagi là lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét không chỉ gây thiệt hại rất lớn về người mà còn gây thiệt hại lớn về sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp.

Siêu bão Yagi và tiếng chuông cảnh báo: Đã đến lúc cần điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng- Ảnh 1.

Đường phố Hạ Long ngổn ngang sau cơn bão. (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Một trong những hình ảnh đau lòng nhất sau bão số 3 là vụ sập cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên QL32C nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu Phong Châu, một công trình có tuổi đời gần 30 năm, đã từng được gia cố vào năm 2019 với việc tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê-tông cốt thép cho trụ T7, mở rộng bệ trụ bằng bê-tông cốt thép và gia cường khả năng chống va xô. Trụ số 6 cũng được gia cố chống xói bằng rọ thép đan máy có luồn thép D8 tạo khung cứng, trong nhồi đá hộc. 

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 5 năm kể từ lần gia cố gần nhất, cầu đã bị sập do lũ lớn vào ngày 9/9/2024. Thiệt hại nặng nề nhất là về con người, bên cạnh đó gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Đồng thời, sự cố cũng đặt ra những câu hỏi về chất lượng công trình và công tác quản lý, bảo trì. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, cầu Phong Châu bị sập là do mưa lũ lớn khiến nước sông Hồng dâng cao, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu. Tuy nhiên, dư luận xã hội còn nghi ngờ về tình trạng khai thác cát gần khu vực chân cầu, cũng như chất lượng công tác gia cố, sửa chữa cầu trong những năm qua.

Không chỉ những công trình nhỏ lẻ và cầu đường, ngay cả các tòa nhà cao tầng được xem là kiên cố cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão. Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhấn mạnh những ảnh hưởng rất lớn của siêu bão Yagi đối với các tỉnh thành phía Bắc. Trong đó, theo ghi nhận của một số tỉnh thành, nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng do ảnh hưởng của cơn bão, một số địa phương đã phải di dời người dân ra khỏi nhà chung cư để đảm bảo an toàn.

Trước khi siêu bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh thành phía Bắc, tại Hải Phòng, hơn 1.000 hộ dân với khoảng 3.000 người sinh sống tại 10 chung cư cũ phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền đã được di dời khẩn cấp đến trụ sở UBND và các trường học lân cận để đảm bảo an toàn. 10 chung cư này được xây dựng từ năm 1975 đến 1980, trong đó 9 tòa đã xuống cấp nghiêm trọng, được đánh giá ở cấp độ D (nguy hiểm, cần di chuyển cư dân) và một tòa ở hạng C (cấp độ nguy hiểm, hư hỏng nặng).

Tương tự, tại Hà Nội, quận Hoàng Mai cũng đã tiến hành di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ra khỏi khu tập thể cũ A7, phường Tân Mai để đảm bảo an toàn trước bão. Khu tập thể này, được xây dựng từ năm 1984, đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập cao, mặc dù đã được gia cố tạm thời bằng hệ thống giàn giáo thép.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, nguyên nhân khách quan là bởi Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam và cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động hơn chục năm, có sức chịu gió bão kém.

Tuy nhiên, hiện tượng căn hộ chung cư hoạt động 4-6 năm đổ mảng kính, sập trần, hỏng lan can trong bão cho thấy chất lượng thi công hoặc vật liệu đang bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Các công trình này không chỉ thiếu về thiết kế chống thiên tai mà còn bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vật liệu kém chất lượng, thiếu giám sát trong quá trình xây dựng. 

"Ngoài tác động tiêu cực, bão Yagi cũng là phép thử cho chất lượng thi công công trình xây dựng, nhất là chung cư ở các đô thị hiện nay", ông Hiệp nhìn nhận. Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần xem xét và cập nhật các tiêu chí, chất lượng xây dựng để thích ứng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay.

Cần nghiên cứu cụ thể hơn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế, xây dựng

Về vấn đề quy chuẩn xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), khẳng định rằng tất cả các công trình xây dựng, bao gồm cả chung cư, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt QC 02/BXD - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng.

Theo ông, việc thiết kế công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu các tác động từ thiên tai như bão và động đất, với các yêu cầu cụ thể được điều chỉnh theo từng vùng miền. Đặc biệt, thiết kế an toàn chịu lực là một yếu tố then chốt, trong đó tải trọng được tính toán kỹ lưỡng bao gồm cả tải trọng tĩnh và động, từ trọng lượng bản thân công trình, người, thiết bị đến lực tác động của gió, bão và động đất. Ngoài ra, ông cho biết thêm, "cứ 5 năm quy chuẩn lại được xem xét đo lại mức gió để cập nhật lại". 

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Giải pháp kiến trúc, quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam". Tại đây, các chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong tiêu chuẩn xây dựng hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các công trình.

Siêu bão Yagi và tiếng chuông cảnh báo: Đã đến lúc cần điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng- Ảnh 2.

Tọa đàm: Giải pháp kiến trúc, quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Kiến Việt)

KTS. Nguyễn Văn Tất nhắc lại cơn bão Linda năm 1997 vào miền Nam Việt Nam đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng bởi chính quyền và người dân miền Nam đã rất chủ quan trong ứng phó với bão, khi "không mấy ai tin bão có thể vào Nam Bộ".

Ông nhấn mạnh việc ứng phó với thiên tai không thể chủ quan, từ cả góc độ quản lý đô thị tới tư duy tư vấn thiết kế quy hoạch. Theo đó, không thể nới lỏng khi phê duyệt các công trình. Như vấn đề nhà ở tại khu vực Lào Cai, Yên Bái nằm dựa theo núi là điều không nên trong thiết kế. Đây là vấn đề cần thay đổi khi tổ chức tái định cư cho người dân. 

Theo đó, việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải chú trọng tới đặc điểm địa chất, địa hình của khu vực và nương theo đó, thay vì coi đây là nhược điểm và chống lại. Đối với các KTS, việc nằm trong tầm tay đó là cần chú trọng hơn đến địa hình, kết cấu khi thiết kế để phù hợp với yếu tố tự nhiên từng khu vực.

Các kiến trúc sư cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh quy chuẩn xây dựng để phù hợp với điều kiện địa phương và tăng cường kiểm soát chất lượng công trình. 

Chia sẻ quan điểm, KTS. Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh về sự bất cập của việc áp dụng một tiêu chuẩn chung cho tất cả các vùng miền. Ông cho rằng các cơ quan quản lý về xây dựng cần nghiên cứu lại các quy chuẩn xây dựng, bởi bão lũ sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Còn KTS. Doãn Minh Khôi cho rằng tri thức bản địa cần được coi trọng và tích hợp vào các giải pháp thiết kế, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn cho các vùng chịu nhiều thiên tai để người dân có thể xây dựng những ngôi nhà an toàn và phù hợp. 

Tiếp nối ý kiến này, KTS. Võ Quốc Thái đề xuất quy định rõ ràng về vật liệu xây dựng trong quy hoạch và cấp phép để đảm bảo chất lượng, an toàn. “Chất lượng công trình cũng nên được rà soát lại, như Hải Phòng đã phải di dời người dân tại 2 công trình nhà 5 tầng đi tránh bão. Quy định về bảo hành, bảo dưỡng công trình cũng nên được quy định, đồng thời những công trình về nhôm kính cũng cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng công trình. Vừa qua, Sở Xây dựng Hải Phòng đã rất kịp thời gửi công văn kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thẩm định chất lượng công trình cùng tham gia góp sức, cung cấp vật liệu, khắc phục sửa chữa các công trình chịu ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua”, KTS. Võ Quốc Thái cho biết.

Siêu bão Yagi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cần được nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên của từng vùng miền. Việt Nam cần một "cuộc cách mạng" trong tư duy và hành động để ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu và thiên tai, từ cấp quản lý, các nhà thiết kế, quy hoạch đến từng người dân, để xây dựng một môi trường sống an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top