Aa

Siêu chu kỳ tăng giá của thép và tác động của nó tới ngành xây dựng

Chủ Nhật, 27/06/2021 - 06:00

Giá thép xây dựng tăng cao trên 17,2 triệu/tấn sẽ tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới nhu cầu trực tiếp của ngành thép cũng như mức độ tăng trưởng của ngành xây dựng.

Tại báo cáo cập nhật ngành thép công bố mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhận định: Giá thép xây dựng tăng cao trên 17,2 triệu/tấn có thể sẽ tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu trực tiếp của ngành thép.

"Cơn khát" nguyên liệu toàn cầu trong nửa đầu năm 2021

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng ngành thép năm 2021, nhóm nghiên cứu MASVN đã nhấn mạnh sự ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại của Trung Quốc và Úc tới giá quặng sắt toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục, nhu cầu về thép tăng mạnh, thì trong quý I/2021, nguồn cung của 3 tập đoàn khai thác quặng lớn trên thế giới lại chỉ tăng rất nhẹ, dẫn đến việc giá quặng liên tục bùng nổ.

MASVN ước tính tổng sản lượng khai thác mục tiêu năm 2021 của 3 nhà khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Vale, Rio Tinto và BHP Group đạt tối đa khoảng 930 triệu tấn, không tăng trưởng so với năm 2020.

Sản lương khai thác quặng của các tập đoàn trong quý I/2021
Sản lương khai thác quặng của các tập đoàn trong quý I/2021

Ngoài yếu tố về cuộc chiến tranh thương mại, sự phục hồi kinh tế thế giới sau năm 2020 trì trệ đã khiến cho toàn bộ các nguyên liệu đều tăng giá một cách đáng kinh ngạc. Trong đó, Bắc Mỹ là nơi dẫn dắt cho sự tăng giá vượt kiểm soát của ngành thép, khi giá HRC (Hot rolled coil - thép cuộn cán nóng) giao dịch ở Bắc Mỹ trong tháng 5/2021 đạt mức 1.492 USD/tấn, tăng 233% so với tháng 8/2020 - thời điểm xảy ra đỉnh dịch ở Mỹ.

Ngoài ra, các yếu tố về thiếu hụt nguồn cung container và việc Trung Quốc thúc đẩy đầu tư công đã cùng nhau tạo ra mức tăng vượt ngoài dự báo của mọi loại hàng hóa. Theo chỉ số giao dịch hàng hóa toàn cầu, mức điểm giao dịch đã tăng 70% trong vòng một năm lên 470 điểm vào tháng 5/2021. Đây là mức điểm số cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021.

"Về mặt số liệu, chúng tôi cho rằng ở giai đoạn siêu chu kỳ này, chỉ số giá hàng hóa giao ngay đã tiệm cận mức cao nhất từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ở siêu chu kỳ hàng hóa năm 2021 đã và đang diễn ra ở quy mô lớn hơn, chủ yếu đến từ việc năng lực sản xuất không kịp mở rộng theo nhu cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19", báo cáo nêu.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, yếu tố dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, và đây là điểm được cho rằng khác biệt nhất so với chu kỳ tăng giá hàng hóa năm 2010 - 2012. Do vậy, việc nền giá vận tải tiếp tục leo cao hứa hẹn sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa tăng cao trong nửa cuối năm 2021, qua đó dự kiến chỉ số giá hàng hóa có thể vượt đỉnh lịch sử 501 điểm trong 2 quý đầu năm 2021.

MASVN cho rằng trong quý II và quý III/2021, chỉ số giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao khi châu Âu và Bắc Mỹ đồng loạt dỡ bỏ dần lệnh giãn cách xã hội nhờ tỷ lệ vaccine dần tiến tới mức 70% dân số trưởng thành, mức đủ tạo nên miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong quý IV/2021 - 2022, nhóm nghiên cứu đánh giá rủi ro giá hàng hóa giảm sẽ xảy ra dựa trên luận điểm các nước sẽ siết dần chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhiều khả năng xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2021, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng đột biến.

Triển vọng ngành thép Việt Nam trong nửa cuối năm 2021

Trong các mảng sản phẩm thép, MASVN ước tính mảng HRC sẽ tăng mạnh nhất với 3,5 triệu tấn công suất thêm vào từ lò cao 3 và 4 của dự án Hòa Phát Dung Quất Hòa Phát.

Nhu cầu lớn từ cả thị trường xuất khẩu lẫn trong nước giúp sản lượng của ngành thép tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng. Sản lượng thép tháng 4/2021 đạt 10.483 triệu tấn (tăng 38,3% so cùng kỳ năm trước), trong đó, theo số liệu Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu đạt 3.822 triệu tấn (tăng 47% so cùng kỳ năm trước), trị giá 2.67 tỷ USD (tăng 88% so cùng kỳ năm trước).

Qua đó, nhóm nghiên cứu nâng dự phóng tổng sản lượng HRC và CRC Việt Nam năm 2021 đạt 11,5 triệu tấn (tăng 30% so với cùng kỳ). Sản lượng dự phóng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 lần lượt đạt 11,23 triệu tấn (tăng 11% so cùng kỳ); 2,73 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ) và 5,14 triệu tấn (tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng sản lượng thép năm 2021 dự phóng đạt 30,6 triệu tấn (tăng 18% so với cùng kỳ), cao hơn 6% so với dự phóng cũ mà MASVN đưa ra trước đó.

Rủi ro ngành thép - tôn mạ

Một vấn đề được đề cập tại báo cáo là rủi ro về biến động giá quặng sắt. Trong trường hợp giá HRC giảm mạnh ngay trong quý III/2021 thì các công ty thép sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Đối với các công ty tôn mạ, ảnh hưởng sẽ đến trễ hơn vào quý IV/2021 nếu giá HRC giảm sâu ngay trong quý III/2021.

Thêm vào đó, sự leo thang của giá thép kéo theo rủi ro về sự chững lại của thị trường xây dựng nội địa. Cụ thể, theo bảng cân đối liên ngành Tổng cục Thống kê, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng thì thép chiếm khoảng 5% giá trị sản xuất. Tính cả chi phí trung gian, thép chiếm khoảng 6,2% giá trị sản xuất ngành xây dựng, tương đương 1,4% giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế năm 2020.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong trường hợp đầu vào của cả nền kinh tế đã bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp của giá thép tăng, sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau, ảnh hưởng này khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) của toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,2% và giá thành xây nhà tăng trên 10%. Ngoài ra, giá các vật liệu xây dựng khác như đá xây dựng, cát cũng đã tăng 50% trong năm 2021 (ước tính 1,5 triệu đồng/khối).

"Chúng tôi cho rằng siêu chu kỳ tăng giá vật liệu xây dựng, vốn dẫn dắt bởi thép có thể khiến ngành xây dựng năm 2021 tăng trưởng rất nhẹ hoặc trong trường hợp xấu nhất là suy giảm", báo cáo của MASVN nhấn mạnh.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, vốn có thể khiến tiến độ chậm hơn từ 6 - 18 tháng. Qua đó, nhóm nghiên cứu cho rằng giá thép xây dựng tăng cao trên 17,2 triệu/tấn sẽ tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới nhu cầu trực tiếp của ngành thép.

Trước bối cảnh đó, ở góc độ cơ quan quản lý, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước. 

Cụ thể, VSA khuyến nghị doanh nghiệp tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước; thực hiện kê khai, niêm yết giá phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu; Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước; Nâng cao năng lực quản lý, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý; Tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các doanh nghiệp; Hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước.

Đồng thời, VSA kiến nghị Cơ quan Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ. Đồng thời, khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm như thép xây dựng, tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội; tiếp tục duy trì các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước; xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top