Phía Tây vẫn chưa phát triển xứng tầm
“Hà Nội trong các năm qua không ghi nhận nhiều sự thay đổi lớn, ngoại trừ việc Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô”, PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận thẳng thắn về thực tế thị trường.
Theo vị chuyên gia, sau thời điểm trên, toàn bộ cấu trúc bất động sản phía Tây đã trỗi dậy. Trong đó, nổi bật là hạ tầng giao thông như tuyến đường Nguyễn Trãi kéo tới Hà Đông, đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương... Tất cả đã tạo ra một sự bùng nổ đối với thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô.
Bên cạnh đó, ông Thiên cho biết sự chuyển mình của khu vực phía Tây đã khiến khu vực này trở nên “sốt nóng” suốt một thời gian dài. Nhiều nhà đầu tư cũng đã được hưởng lợi lớn từ điều này. Tuy nhiên, khi thị trường dần ổn định trở lại, các hạn chế của khu vực này đã bộc lộ.
“Hiện khu vực phía Tây chưa có nhiều đặc sắc, trừ tòa Keangnam. Chân dung đô thị tại khu vực này vẫn thuộc về kiểu cũ và chưa phát triển xứng tầm”, ông Thiên bình luận.
Anh Trần Trần Văn Hải, một môi giới viên bất động sản tại Hà Nội, cho biết khu vực phía Tây có hạ tầng đô thị và giao thông phát triển hơn phía Đông nhờ nền tảng đầu tư từ trước. Đây sẽ là khu vực phù hợp với những người có mong muốn mua nhà, dọn đến ở ngay.
“Các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm từ xưa đã được coi là ‘Hà Nội 2’. Vì vậy, cơ sở vật chất và tiện ích có phần bài bản và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, khả năng phát triển của khu vực này còn tương đối hạn chế. Nếu để ý, dọc Quốc lộ 32 có rất nhiều tòa nhà liền kề bị bỏ trống suốt 10 năm qua”, anh Hải cho biết.
Theo Savills, nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, khu vực phía Tây luôn dẫn đầu về tỷ lệ nguồn cung với khoảng 30% trong suốt từ năm 2011 đến nay. Đây đồng thời cũng là khu vực chiếm tới 50% nguồn cung văn phòng tại Thủ đô, tương đương 873.700 m2.
Hiện đa phần các dự án nổi bật ở khu vực phía Tây đều tập trung tại quận Nam Từ Liêm, có thể kể đến một số cái tên như Masteri West Heights, Vinhomes Smart City, The Matrix One Mễ Trì, Mỹ Đình Pearl…
Ngoài ra, còn có những dự án khác, bao gồm BRG Diamond Residence (quận Thanh Xuân), The Manor Central Park (quận Hoàng Mai), Mailand Ha Noi City (huyện Hoài Đức).
Phía Đông có nhiều dư địa để phát triển
Còn về khu vực phía Đông, ông Trần Đình Thiên lại cho rằng, cảnh sắc đô thị đã có những sự khác biệt rất lớn. Đặc biệt, tuyến đường từ Hà Nội về Hải Phòng đã mang lại một luồng sinh khí mới cho nơi đây. Nếu các dự án bất động sản phía Đông được “hâm nóng”, đây có thể là hấp lực để thúc đẩy cả thị trường đi lên.
“Sự mờ nhạt không còn ở phía Đông. Dựa vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ta có thể thấy việc đô thị mở rộng ra phía Đông là điều chắc chắn phải xảy ra”, ông Thiên khẳng định.
Theo anh Trần Văn Hải, đa phần các dự án ở phía Đông đều nằm tại khu vực ngoại thành và sở hữu giá bán căn hộ thấp hơn so với những nơi khác. Nếu nhìn xa trong khoảng 5 - 10 năm tới, đây sẽ là khu vực giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư.
“Nhà nước đang muốn ‘kéo’ Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, các huyện như Gia Lâm, Đông Anh cũng đang chuẩn bị lên quận. Các thông tin tích cực trên là bảo chứng cho thấy khu vực phía Đông có rất nhiều dư địa để phát triển”, anh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, môi giới viên này cho biết khu vực trên vẫn tồn tại một điểm yếu. Đó chính là thời gian di chuyển vào nội thành, trung bình người dân sẽ mất khoảng 30 - 40 phút để tới nơi.
“Khu vực cầu Nhật Tân, đường Âu Cơ, đường Thăng Long rất hay tắc đường, nhất là những hôm trời mưa. Nơi đây sẽ thích hợp hơn với những người có xu hướng làm việc từ xa hoặc bán thời gian. Bên cạnh đó, một số người cũng đầu tư tại đây rồi cho thuê. Hiện một căn 2 phòng ngủ, đầy đủ nội thất có giá thuê khá ‘mềm’, chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng”, anh Hải cho biết.
Theo Savills, phía Đông là khu vực có tỷ trọng nguồn cung thấp tầng tại Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây, tăng từ 8% trong năm 2014 lên 15% tại thời điểm nửa đầu năm 2023.
Nếu so với tổng nguồn cung cả thị trường, khu vực này cũng chiếm tỷ trọng lên tới 12%. Trước đó vào năm 2011, khu vực này có tỷ lệ rất thấp, gần như không đáng kể so với thị trường.
Trong khi đó, giá sơ cấp các sản phẩm nhà ở cũng có sự khác biệt giữa hai khu vực. Tại khu vực phía Tây, giá sơ cấp căn hộ trung bình trong nửa đầu năm 2023 là 58 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ sơ cấp phía Đông lại có giá trung bình chỉ khoảng 48 triệu đồng/m2.
Đối với sản phẩm thấp tầng, giá sơ cấp trung bình tại phía Tây dao động 157 - 225 triệu đồng/m2. Còn tại phía Đông, mức giá nằm trong khoảng 158 - 168 triệu đồng/m2.
Ở phía Đông, các dự án trọng yếu đều gọi tên Vinhomes với bộ ba Ocean Park. Ngoài ra, hai dự án khác tại Gia Lâm là Masteri Waterfront và Eurowindow Twin Parks cũng đang nhận được nhiều sự chú ý của công chúng. Bên cạnh đó, khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên) cũng tương đối nổi bật, nếu người mua không quan tâm nhiều tới yếu tố di chuyển.