Aa

Hà Nội liệu có thu hồi được 5,3ha đất tại dự án The Manor Central Park?

Thứ Hai, 09/10/2023 - 11:39

Từ tháng 11/2019, Hà Nội đã có lệnh thu hồi khu đất, nhưng 4 năm trôi qua quyết định vẫn chỉ nằm trên giấy. Sự chậm trễ này khiến dư luận… nghi ngờ về năng lực thực thi chính sách pháp luật của Lãnh đạo Thủ đô?!

Chính quyền thành phố Hà Nội đã tỏ ra quyết liệt thu hồi và xử lý với các dự án có vấn đề, trong đó cái tên The Manor Central Park đang được dư luận đặc biệt chú ý. Dư luận đặc biệt chú ý tới dự án này không chỉ bởi quy mô và mức độ hoành tráng đã từng được chủ đầu tư công bố trong quá khứ, mà còn vì Bitexco – đơn vị đầu tư dự án có tiếng trong lĩnh vực bất động sản cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi chính quyền Hà Nội quyết xử lý với nhiều dự án có vấn đề bất thường.

Vào ngày 17/8, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 9406 VP-TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp triển khai thu hồi 52.936 m2 diện tích đất dự án The Manor Central Park tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), do Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư, trước ngày 15/9/2023.

Hết thời hạn trên, nếu Bitexco không phối hợp bàn giao, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đề xuất áp dụng các biện pháp hành chính để thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Cho tới nay đã quá thời hạn ấn định (15/9) gần 1 tháng, nhưng các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ vẫn chưa thể thu hồi được lô đất, trong khi đó Bitexco tiếp tục công bố những lý do muốn tiếp tục thực hiện dự án.

Trở lại quá khứ cách đây 12 năm, tức là vào năm 2011 dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 được phê duyệt, nhưng tới tận tháng 5/2014 mới khởi công chính thức và Bitexco triển khai xây dựng tuyến đường bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An (đường chính dài 2,5 km, đường phụ dài 1,1km) theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). UBND thành phố Hà Nội giao cho Bitexco thực hiện dự án này mà không qua đấu thầu, nhưng ngay từ giai đoạn đầu dự án đã triển khai không đúng tiến độ, phải nới thời gian thực hiện từ 36 tháng lên 54 tháng, sau đó là 67 tháng, nhưng vẫn không hoàn thành.

Theo hợp đồng, Hà Nội giao 20,8ha đất đối ứng cho Bitexco trị giá hơn 1.550 tỷ đồng tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 quy mô 65,8ha, thực hiện theo hai giai đoạn (giai đoạn 1 giao 14,2ha, giai đoạn 2 giao 6,6ha). Theo quy hoạch, khu đất này được xây dựng nhà thấp tầng và chung cư thương mại để bán.

Quá trình triển khai dự án đã xuất hiện một số vấn đề bất thường, đầu tiên là việc UBND thành phố Hà Nội ra quyết định 3609/QĐ-UBND phê duyệt đánh giá tác động môi trường vào ngày 30/6/2016, nhưng trước đó vào ngày 14/6/2016 thì Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép xây dựng cho Bitexco xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam đường Vành đai 3.

Giữa năm 2017, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra một số dự án BT giao thông tại Hà Nội và đã công bố nhiều vi phạm tại ự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An: Việc thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác, đã làm tăng số tiền tại d lên hơn 12 tỷ đồng; Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng; Phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 5/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt; việc giao và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ xác định dự án này bị chậm tiến độ so với yêu cầu do năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém, không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết.

Đến cuối năm 2017, Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo đề cập tới một loạt vấn đề trong các dự án BT tại Hà Nội cũng đã chỉ ra dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Bitexco làm chủ đầu tư bị đội vốn không căn cứ lên tới hơn 36 tỷ đồng.

Chuyện bất thường vẫn chưa dừng lại ở đó, vì hơn 2 năm sau dư luận tiếp tục dậy sóng khi phát hiện ô đất được quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tại dự án này (theo Quyết định 3841/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của UBND TP Hà Nội) đã biến thành hàng trăm biệt thự, nhà phố và được rao bán rầm rộ với mức giá vài chục tỷ đồng mỗi căn.

Những lùm xùm tại dự án này cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, mặc dù vào năm 2021 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao một số cơ quan nghiên cứu, xem xét, có ý kiến rõ về việc ký kết hợp đồng BT đối với dự án The Manor Central Park đã thực hiện đúng quy định của pháp luật chưa?

Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về các dự án BT đặt ra vấn đề: Vì sao UBND thành phố Hà Nội không tổ chức đấu thầu để có thể chọn ra đơn vị thực hiện dự án đảm bảo chất lượng với mức giá thấp nhất mà lại giao cho Bitexco? Tại sao không thực hiện bán đấu giá các khu đất để có nguồn kinh phí chủ động thực hiện dự án thuận lợi hơn? Việc giao một dự án lớn với quỹ đất đối ứng được xác định ban đầu lên tới 20,8ha có giá trị ước tính 1.5550 tỷ đồng cho Bitexco liệu đã được thực hiện một cách minh bạch, đúng và đủ các quy định của pháp luật? Liệu có thất thoát ngân sách Nhà nước ở dự án này và nếu có thì những ai phải chịu trách nhiệm?

Bàn về dự án BT, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Mục tiêu quan trọng nhất của hình thức BT đó là huy động tốt được nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, không đủ nguồn đáp ứng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Bản chất BT không xấu nhưng việc vận dụng nó thì nảy sinh nhiều bất cập, cơ chế của nó sinh ra thất thoát. Ngay mục tiêu quan trọng nhất của nó cũng có thể không đạt được khi mà nhiều chủ đầu tư thậm chí còn tay không bắt giặc với số vốn ít ỏi”.

dự án the manor central park
Đã 4 năm trôi qua, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn chưa thu hồi xong khu đất 5,3ha tại dự án The manor Central Park. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá việc triển khai các dự án BT là một hướng đi phù hợp, nhưng cần được kiểm soát chặt nhằm tránh tiêu cực, tránh thất thoát lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: Báo Giáo dục Thời đại

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu thu hồi lô đất nói trên, mà từ tháng 11/2019 chính quyền thành phố cũng đã ra lệnh thu hồi sau khi phát hiện giá trị đất giao cho Bitexco vượt xa so với dự án thực hiện đường bao quanh công viên tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Vậy nhưng sau gần 4 năm, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi lô đất và cũng chưa có biện pháp nào đủ mạnh để thi hành quyết định này.

Dư luận cũng đang nhìn vào sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội với hy vọng rằng tình trạng dự án chậm tiến độ hay các dự án đã được xác định có những vấn đề bất thường cần phải được tích cực xử lý. Thực tế là thời gian gần đây, Thành phố Hà Nội tỏ rõ sự quyết liệt thu hồi các dự án đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, trong đó phải kể tới việc thu hồi 2 dự án khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 đã giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nhiều năm nhưng chưa đầu tư, hay việc thu hồi hơn 11.000m2 đất dự án treo tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.

Tuy nhiên, đối với khu đất 5,3ha tại dự án The Manor Central Park thì đã 4 năm trôi qua kể từ khi có lệnh thu hồi từ thành phố Hà Nội (mới nhất là thời hạn 15/9/2023) vẫn chưa có kết quả cụ thể. Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi: Chính quyền Hà Nội ra lệnh thu hồi khu đất này có đúng các quy định của pháp luật hay không? Nếu đúng thì tại sao 4 năm trôi qua vẫn chưa kết thúc, liệu có “thế lực” nào chống lưng cho Bitexco hay không?

Trước hiện tượng bất thường ở một số dự án BT, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thẳng: “Nhiều dự án ở các thành phố lớn, chỉ vài ki-lô-mét đường mà đổi lấy bạt ngàn đất, vấn đề xác định đúng giá trị của cả công trình hạ tầng và tài sản công đem đổi là lâu này đã làm tốt chưa? Khi các quy định về xác định giá trị không cụ thể, thiếu minh bạch, nhất là tồn tại nhiều khoảng trống thì nguy cơ tham nhũng lớn luôn gắn với các dự án BT”. 

Nhắc tới việc khu đất thuộc dự án The Manor Central Park bị chính quyền Hà Nội yêu cầu thu hồi, dư luận hẳn vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu Bitexco cũng đã từng bị gọi tên trong những sai phạm liên quan tới một dự án khác. Đó là vào cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 2123/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm tại Khách sạn JW Marriott Hà Nội.

Cụ thể, đối với dự án Khách sạn JW Marriott Hà Nội do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, thời điểm cấp Giấy chứng nhận nhà đầu tư lần đầu nhưng dự án chưa được HĐND thành phố thông qua.

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi đất cho Bitexco thuê để xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó diện tích khu khách sạn kết hợp khu sân vườn giảm 5.497m2, diện tích mặt nước tăng 5.224m2 là chưa đúng diện tích theo Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Việc dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo danh mục kèm theo là không đúng quy định; nhà đầu tư phải nộp bổ sung tiền thuê đất hơn 26,2 tỷ đồng, xác định và thu tiền chậm nộp (nếu có) đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top