Aa

Sở Xây dựng Bình Dương loay hoay xử lý xây dựng không phép

Thứ Sáu, 18/12/2020 - 12:57

Dù Sở Xây dựng Bình Dương đã tổ chức họp bàn phương án xử lý hàng loạt dự án xây dựng không phép, nhưng vẫn chưa đưa ra kết quả dự án nào cưỡng chế, dự án nào phạt và cho tồn tại sai phạm.

Trả lời Reatimes về hướng xử lý các dự án xây dựng không phép, sáng 18/12, ông Lê Hữu Nhơn, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương, cho biết, qua tuần sau, Sở sẽ làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp có dự án xây dựng không phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số khu vực thời gian qua có thông tin phản ánh về thi công, rao bán “dự án ma” cũng sẽ được đưa vào kế hoạch xử lý. Sau đó, việc xử lý tiếp theo sẽ tùy từng trường hợp.

Động thái mới này của Sở Xây dựng Bình Dương cho thấy cơ quan này đã cứng rắn và quyết liệt hơn trong vấn đề xử lý sai phạm này. Tuy nhiên, điều này vẫn mang tính nhất thời, phụ thuộc ý chí cá nhân lãnh đạo, chứ chưa thực sự dựa trên cơ sở quy định pháp luật để giải quyết triệt để.

Khu nhà ở Nam Tân Uyên được động thổ từ năm 2018 dù chưa có giấy phép xây dựng

Trước đó, như Reatimes đã thông tin Bình Dương là địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra phổ biến và dai dẳng. Điển hình cho câu chuyện này có thể kể đến các dự án:  Khu nhà ở Nam Tân Uyên do Công ty TNHH Công Nghiệp và Đô Thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc tại Khu phố 5, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, do Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc làm chủ đầu tư; Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư…

Dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc hoàn thiện loạt công trình hạ tầng bất chấp Quyết định xử phạt

Tại Khu nhà ở Nam Tân Uyên, cũng với hành vi xây dựng không phép, Thanh tra sở đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 121/QĐ-XPVPHC ngày 06/11/2019 với mức phạt tiền là 80.000.000 đồng. Ngày 17/6/2020, Sở Xây dựng kiểm tra, ghi nhận tại dự án có 01 căn nhà phát sinh so với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 121/QĐ-XPVPHC của Thanh tra sở. Do đó, Đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ sang Thanh tra sở tiếp tục xử lý theo quy định.

Khu nhà ở Nam Tân Uyên xây dựng không phép

Dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc cũng đã 2 lần liên tiếp bị xử phạt với hành vi xây dựng không phép. Ngày 20/5/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ việc thi công xây dựng vi phạm và đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 78/QĐ-XPVPHC. Ngày 06/8/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiếp tục kiểm tra và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 123/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc.

Tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/01/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020.

Theo quyết định xử phạt số 25/QĐ-XPVPHC, ngày 13/01/2020, đúng 2 tháng sau, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã phải tổ chức cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, phải hơn 8 tháng sau Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn mới ra quyết định xử phạt lần 2.

Dự án "khủng" Đông Bình Dương sau 2 lần xử phạt vì xây dựng không phép, đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế

Đến nay đã quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020). Tuy nhiên, dự án vẫn không bị cưỡng chế. Thay vào đó, trả lời về việc xử lý sai phạm xây dựng không phép tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn cho rằng, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế, đối với những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.

Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định quyền xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế công trình không phép, cho địa phương. Tuy nhiên, sai phạm xây dựng vẫn cứ diễn ra tràn lan hết năm này sang năm khác mà không dự án nào bị cưỡng chế. Phải chăng Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang đi ngược Nghị định của Chính phủ ban hành, tự ý “làm luật” riêng, để kéo dài thêm thời gian và tìm cách hợp thức hóa sai phạm, thay vì cưỡng chế?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top