Thủ đô Vienna của nước Áo đã chiếm lấy vị trí thành phố đáng sống nhất trên bảng xếp hạng của tờ The Economist từ tay Melbourne, sau 7 năm liên tục thành phố của nước Úc nắm giữ vị trí này. Vienna đạt số điểm gần như tuyệt đối (99,1 trên 100 điểm) trên các chỉ tiêu được đem ra đánh giá. Các thành phố khác ở Úc và Canada chiếm tới 6 trên 10 vị trí đầu bảng.
Ngược lại, không có thành phố nào ở Mỹ nằm trong Top 10. Các trung tâm tài chính lớn như Luân Đôn (đứng thứ 48) và New York (đứng thứ 57) bị đánh giá thấp do một loạt những vấn đề như hệ thống giao thông công cộng quá tải, tỷ lệ tội phạm cao và tắc đường. Thành phố Hồng Kông (đứng thứ 35) đã vượt qua đối thủ cạnh tranh là Singapore (đứng thứ 37) nhờ vào chỉ số ổn định tăng so với năm ngoái.
Ở châu Á, cả Osaka (đứng thứ 3) và Tokyo (đứng thứ 7) đều tăng bậc lên vị trí cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Thành tích này là nhờ việc chính phủ Nhật đã thành công trong nhiệm vụ kiềm chế tội phạm và phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Xu hướng hiện nay là các thành phố cỡ vừa, có mật độ dân số thấp, và nằm tại những nước phát triển được coi là lý tưởng nhất để sống. Hai ví dụ cho xu hướng này là Honolulu (đứng thứ 23) và Pittsburgh (đứng thứ 32), hai thành phố Mỹ có vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng.
Trong số 140 thành phố được đem ra xét duyệt, thủ đô Damascus của Syria đứng đội bảng vì cuộc nội chiến. Những đô thị có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém (như Harare, Zimbabwe) hay bị ô nhiễm nghiêm trọng (như Dhaka, Bangladesh) cũng nằm trong nhóm cuối bảng.