Aa

Soi lợi nhuận doanh nghiệp thép quý I/2021

Thứ Sáu, 23/04/2021 - 16:30

Giá thép nguyên liệu liên tục tăng cao, cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá thép thành phẩm tăng đột biến. Nhiều doanh nghiệp ngành thép đã hưởng lợi từ việc tăng giá này.

Giá thép tăng đột biến

Lý giải về nguyên nhân giá thép liên tục tăng cao, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước. 

Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Năm 2020, Trung Quốc đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc dự báo khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch COVID-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.

Giá thép nguyên liệu tăng và sự thiếu hụt nguồn cung khiến giá thép thành phẩm tăng đột biết trong thời gian qua.
Giá thép nguyên liệu tăng và sự thiếu hụt nguồn cung khiến giá thép thành phẩm tăng đột biết trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, các chuyên gia dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020. Động lực đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm nay; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. 

Trong báo cáo nhận định ngành thép năm 2021, các chuyên gia của SSI Research nhận định, nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Tại thị trường trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp năm 2020. 

Về giá, các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam mới đây cho biết, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý 3/2021.

Doanh nghiệp thép hưởng lợi

Giá thép tăng cao đồng nghĩa với lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng có sự tăng trưởng đột biến trong quý I/2021, cụ thể:

Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của Công ty CP Đầu tư thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.070 tỷ đồng, tăng 47%. Lãi gộp đạt 432 tỷ đồng, tăng 154%. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 4,9% lên 8,5%.

Mặt khác, doanh thu tài chính tăng từ 7 tỷ lên 31 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm từ 91 tỷ về 63 tỷ đồng, lợi nhuận hoạt động khác cũng cải thiện từ 2 tỷ lên 15 tỷ đồng. Trong khi, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng tăng khoảng 130%.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế của SMC đạt 216 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. So với kế hoạch năm dự kiến, SMC thực hiện được 28% chỉ tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận tăng mạnh kéo theo thị giá cổ phiếu SMC tăng 73%.

Tương tư, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 120 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi sau thuế của TLH lại gấp hơn 30 lần.

Đây là cũng mức lợi nhuận trong một quý mà TLH có được kể từ cuối năm 2016 đến nay. Với kết quả quý 1/2021, TLH đã thực hiện đến 48% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2021 theo kế hoạch sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua. So với hồi đầu năm, cổ phiếu TLH đã tăng 34%

Còn theo báo cáo của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cho biết, tháng 3 vừa qua sản lượng tiêu thụ ước đạt 214.036 tấn, doanh thu thuần đạt 4.522 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 501 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế quý 2 niên độ tài chính 2020 - 2021 của HSG (từ ngày 1/1/2021 đến 31/3/2021) doanh thu HSG ước đạt 10.841 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 834 tỷ đồng, tăng gấp đôi về doanh thu và tăng gấp 4 lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu HSG cũng đã tăng tăng 36,5% so với hồi đầu năm.

Tại Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG), luỹ kế quý I/2021, HPG cung cấp ra thị trường hơn 184.000 tấn ống thép các loại, tăng 27% so với quý 1/2020, giữ thị phần số 1 Việt Nam về ống thép với 30,2%. Trong khi đó, tôn Hòa Phát đạt gần 74.000 tấn, gấp 3 lần cùng kỳ. Ống thép Hòa Phát xuất khẩu gần 7.000 tấn, tới các thị trường Mỹ, Úc, Canada, tăng 31% so với Quý 1/2020.

Tính từ đầu năm, cổ phiếu HPG đã tăng 31%, kéo theo Giá trị tài sản của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT HPG tăng 31,56% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, khi giá cổ phiếu HPG đã tăng từ 41.600 đồng/cổ phiếu lên 54.600 đồng/cổ phiếu, chỉ tính riêng 2 tuần đầu tháng 4/2021, cổ phiếu HPG tăng 17,4%. Với mức tăng này, ông Long đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tỷ phú đô la của Việt Nam.

Cổ phiếu HPG tăng phi mã sau thông tin Hoà Phát đã vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cả về năng lực sản xuất và sản lượng bán hàng. Năm 2021, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng và LNST 18.000 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top