Tập đoàn Hà Đô và những dự án "hot"
CTCP Tập đoàn Hà Đô là một trong số các doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng nhiều trong 6 tháng cuối năm. Báo cáo cập nhật từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, tổng tài sản của Hà Đô tăng mạnh so với đầu năm 2016, đạt mức 5.230 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản tăng lên chủ yếu là hàng tồn kho tăng đột biến lên 2.087 tỷ đồng do giá trị bất động sản tại dự án Centrosa Garden (1.402 tỷ đồng) và giá trị dở dang dài hạn tăng lên 521 tỷ đồng, bao gồm các chi phí dở dang tại các dự án số 2 Hồng Hà (234 tỷ đồng), Thủy điện Nhạn Hạc (245 tỷ đồng).
Hệ số Nợ phải trả/Tổng tài sản của Hà Đô tăng mạnh lên 70,7% (so với 57,2% năm 2015) và Nợ vay/Tổng tài sản đạt mức 48% do cơ cấu nguồn vốn hợp nhất cho thấy tỷ lệ vay nợ cao tại công ty con. Cụ thể, tổng nợ vay chịu lãi tăng lên 2.511 tỷ đồng, trong đó nợ vay tại công ty mẹ tăng lên 1.111 tỷ đồng chủ yếu do khoản phát hành trái phiếu 595 tỷ đồng, ngoài ra ước tính nợ vay tăng thêm 700 tỷ đồng tại công ty con Z756 Sài Gòn do phát hành trái phiếu và 700 tỷ đồng từ hợp nhất với Za Hưng.
Nợ vay của Hà Đô mặc dù đã tăng mạnh nhưng vẫn phù hợp với giai đoạn tăng cường đầu tư và triển khai các dự án lớn, có triển vọng cao trong giai đoạn hiện nay, bao gồm dự án bất động sản Centrosa Garden (trên 7.000 tỷ đồng) và Thủy điện Nhạn Hạc (gần 2.000 tỷ đồng). Trong đó, dự án bất động sản Centrosa Garden dự kiến sẽ đem về dòng tiền lớn từ năm 2016 khi đã có kết quả bán hàng khả quan, điều này đã được thể hiện một phần qua khoản người mua trả tiền trước đã tăng mạnh lên so với đầu năm khi đạt 681 tỷ đồng. Dự kiến, dòng tiền này sẽ tiếp tục tăng đều khi người mua nhà sẽ phải đóng tiền theo tiến độ dự án cho đến khi nhận bàn giao nhà.
Ngoài ra, chiến lược đầu tư mở rộng sang lĩnh vực thủy điện với dự án Za Hưng có thể sẽ góp phần tăng triển vọng phát triển ổn định dài hạn. Dự đoán, năm 2016, Hà Đô có thể tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.250 tỷ đồng, tăng 52% theo năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 238 tỷ đồng, tăng 71,2%.
Địa ốc Nam Long - lợi thế từ các đối tác lớn
Tương tự Hà Đô, CTCP Nam Long cũng ghi nhận hệ số Nợ/Tổng tài sản tăng cao vào cuối quý II/2016, đạt mức 21% so với 13% vào cuối năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty tăng thêm dư nợ dài hạn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Cụ thể, ngày 8/4/2016, Tập đoàn Keppel Land (Singapore) đã thông qua công ty con của mình là Ibeworth Pte. Ltd. (Ibeworth) để đăng ký mua 500 trái phiếu chuyển đổi của Nam Long với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu (tương đương với 30,4 triệu đô la Singapore). Trong trường hợp toàn bộ lượng trái phiếu này được chuyển đổi sang cổ phiếu, doanh nghiệp Singapore sẽ nắm giữ tổng cộng khoảng 15% cổ phần của Công ty Nam Long - 21,3 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, Nam Long còn có khoản vay nợ ngắn hạn trị giá 331 tỷ đồng, trong đó bao gồm 100 tỷ đồng trái phiếu phát hành đến hạn trả cho Ngân hàng TMCP Phương Đông, và các khoản vay ngắn hạn từ cá nhân/vay dài hạn đến hạn trả. Đối với vay dài hạn, Công ty đang có nợ 819 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm 610 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ibeworth Pte. Ltd và 384 tỷ đồng vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông. Hiện tại, các dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng bao gồm Dự án Long An - trị giá xây dựng cơ bản dở dang là 1.400 tỷ đồng, dự án Ehome 3 - trị giá xây dựng cơ bản dở dang 284 tỷ đồng và dự án Cần Thơ - trị giá xây dựng cơ bản dở dang 48 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều này cũng được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt việc huy động vốn từ các đối tác sẽ giúp Nam Long đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án lớn như Fuji Residence với hai dự án thành phần là Fuji Valora và Fuji Flora đã chính thức ra mắt thị trường trong tháng 6 - 7/2016. Ngoài ra, các dự án của Nam Long như Phú Hữu, Nguyên Sơn, Waterpoint cũng là những dự án tiềm năng, giúp mục tiêu bán trên 3.000 sản phẩm căn hộ/biệt thự, đạt 3.190 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt 360 tỷ đồng của Công ty trong năm 2016 trở nên khả thi.
“Ngôi sao một thời” Sudico trở lại
Về trường hợp CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), đây là một doanh nghiệp chịu áp lực nợ vay lớn. Tính đến cuối tháng 6/2016, SJS vẫn còn áp lực tái cơ cấu nợ vay khi đang có khoản nợ dài hạn đến hạn trả (1.092 tỷ đồng) và trái phiếu đến hạn thanh toán (45 tỷ đồng), nhưng doanh nghiệp cho biết, các khoản nợ dài hạn đến hạn trả sẽ được các ngân hàng gia hạn do được đảm bảo bởi các khu đất có giá trị lớn.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên của Sudico, đến cuối tháng 6/2016, Công ty có khoản vay dài hạn đến hạn trả bao gồm số tiền 550 tỷ đồng cho Maritime Bank và số tiền 64,5 tỷ đồng cho Ngân hàng Việt Á. Vay dài hạn đến hạn trả cũng bao gồm các khoản vay của công ty con, CTCP Vật liệu xây dựng và Đầu tư Phát triển Sudico từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 25 tỷ đồng và Techcombank là 66 tỷ đồng. Còn đối với khoản trái phiếu ngắn hạn phát hành cho CTCP Quản lý Hữu Nghị có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất trong tương lai tại lô đất HH2C thuộc Khu đô thị Nam An Khánh.
Được biết, hiện tại Sudico đang đẩy mạnh đầu tư và khai thác khoảng 40 ha đất thấp tầng và 30 ha đất hỗn hợp cao tầng đã được đầu tư gần như hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật tại dự án Nam An Khánh. Năm 2016, SJS tăng cường hoàn thiện hạ tầng phụ trợ chính để tăng giá trị dự án. Ngoài ra, Sudico còn sở hữu khu vực Nam An Khánh mở rộng 45ha - chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Dự kiến, cuối năm 2016, Sudico sẽ thực hiện mở bán trở lại đối với khu thấp tầng gồm các biệt thự/liền kề diện tích 150 - 700 m2, giá bán đất nền dự kiến sẽ đạt trên 30 triệu đồng/m2, tăng khá nhiều so với mức dưới 20 triệu đồng/m2 trước đây.
Ngoài ra, Sudico còn đang triển khai dự án Văn La - Văn Khê có quy mô 12ha và diện tích đất kinh doanh dự kiến khoảng 5ha. Dự án này khá tiềm năng do nằm gần các khu dân cư và cạnh đô thị mới Văn Phú tại Quận Hà Đông. Sudico cho biết, Công ty đã cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Dự án khu nhà ở Văn La - Văn Khê. Hiện Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án; đầu tư xây dựng phần móng một số công trình thuộc dự án nhà ở thấp tầng; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chung cư cao tầng.
Theo đánh giá từ phía CTCK Vietcombank, nếu triển khai các dự án đúng kế hoạch, Sudico có thể vượt chỉ tiêu 2016 với doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 333 tỷ đồng.
Cánh chim đầu đàn Vingroup
Đối với Tập đoàn Vingroup, đây là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành trong hầu hết các mảng kinh doanh cùng triển vọng phát triển dài hạn khi liên tục tung ra các dự án bất động sản mới có quy mô lớn, vị trí đẹp tại các thành phố lớn.
Theo đánh giá của các thành viên thị trường, trong năm 2016, mảng chuyển nhượng bất động sản của Vingroup có thể đạt doanh thu ước tính 25.264 tỷ đồng với các dự án có triển vọng bàn giao và hạch toán doanh thu nhiều nhất là Vinpearl Villas, Central Park, Park Hill (Times City), Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Gardenia và Shophouse Hải Phòng, Cần Thơ. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp này có khả năng sẽ duy trì trong khoảng 35 - 40%.
Mảng cho thuê bất động sản có thể đạt tổng diện tích lên đến gần 100.000 m2 cùng với mục tiêu khai trương thêm 20 trung tâm thương mại tại các thành phố lớn để nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 42 vào cuối năm 2016, giúp doanh thu thuần 2016 của mảng này ước tính đạt 3.168 tỷ đồng.
Đối với mảng khách sạn giải trí, Vingroup đang giữ vững vị thế đầu ngành và có triển vọng đạt doanh thu tăng trưởng mạnh với 3.707 tỷ đồng, do số lượng phòng đưa vào khai thác mới tăng lên trên 5.000 phòng với 8 khu nghỉ dưỡng và biệt thự biển năm 2016.
Do đó, dự kiến, năm 2016, Vingroup sẽ vượt kết hoạch kinh doanh với tổng doanh thu thuần ước đạt 47.910 tỷ đồng, tăng 41% so với 2015 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng.