Aa

Sơn La: Thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Sáu, 23/02/2024 - 13:26

Những năm gần đây, Sơn La đang trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là kinh tế nông nghiệp và du lịch. Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là cơ sở pháp lý để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, ngành; định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Sơn La: Thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài- Ảnh 1.

Vùng chuyên canh chè của Công ty Satoen Việt Nam, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Sơn La chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La; cung cấp thông tin, ấn phẩm chuyển cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ phục vụ hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cho tỉnh. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi thăm, làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác và mời gọi các nhà đầu tư tại thị trường nước ngoài; tham dự các hội chợ quốc tế lớn...

Hiện nay, tỉnh Sơn La thu hút 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký đầu tư 153,6 triệu USD, gồm: Dự án khai thác mỏ niken bản Phúc (Bắc Yên); dự án hợp doanh Trung tâm sản xuất cây ăn quả, cây lâm nghiệp chất lượng cao Việt Hàn; dự án thành lập Công ty TNHH Giống cây trồng Takii Việt Nam; dự án trồng và chế biến chè xuất khẩu của Công ty TNHH Li Garden Việt Nam (Mộc Châu); dự án Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Vân Hồ; dự án Nhà máy chè của Công ty TNHH Satoen Việt Nam (Vân Hồ); dự án dịch vụ của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, Chi nhánh Sơn La, tầng 3, Trung tâm Thương mại Vincom Sơn La (Thành phố). Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, năng lượng điện mặt trời...

Sơn La: Thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài- Ảnh 2.

Vùng chuyên canh chè của Công ty Satoen Việt Nam, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Dự án trồng và chế biến chè Nhật xuất khẩu của Công ty TNHH Satoen Việt Nam, đặt tại tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, với 51 ha vườn chè nguyên liệu, được trang bị đầy đủ dây chuyền công nghệ kỹ thuật tiên tiến và áp dụng quy trình sản xuất tự động, khép kín. Công suất 2 tấn trà xanh/ngày, trà Matcha 2,5 tấn/ngày. Các sản phẩm của Satoen được cấp chứng nhận quốc tế như HACCP, HALAL, GLOBAL GAP.

Ông Sato Kimihiko, Chủ tịch HĐQT Công ty Satoen Việt Nam, chia sẻ: 30 năm trước, bố của tôi là ông Satoen đã đi khắp Việt Nam để khảo sát thổ nhưỡng các vùng sản xuất trà. Khi đặt chân đến huyện Vân Hồ, ông nhận định đây là địa điểm lý tưởng và có khí hậu thổ nhưỡng tương tự với tỉnh Shizuoka (Nhật Bản) và đã trồng những giống trà Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi còn đem toàn bộ máy móc hiện đại, những người thợ sao trà cừ khôi và lành nghề nhất của Tập đoàn tới làm việc tại Việt Nam, để mang lại vị ngon nhất có thể từ cây trà Nhật Bản.

Công ty Blackstone Minerals - New Zealand đang nghiên cứu, đề xuất dự án Nhà máy tinh luyện niken tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, với thời hạn hoạt động của dự án 30 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án thực hiện 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, từ năm 2021-2030, xây dựng nhà máy với năng suất 200.000 - 400.000 tấn tinh quặng/năm; giai đoạn 2 từ năm 2031-2050, mở rộng nhà máy để tăng năng suất lên 800.000 tấn tinh quặng/năm. Tỉnh Sơn La đang giao các sở, ban ngành phối hợp với công ty thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Sơn La hoạt động, sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lương và chế độ lao động người lao động theo đúng quy định. Các doanh nghiệp FDI tích cực thực hiện dự án theo đúng cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tuyển dụng lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án.

Các dự án FDI đã và đang góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa trên một đơn vị diện tích, cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng dự án FDI trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Nguyên nhân do kết cấu hạ tầng ở các địa phương còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng chậm; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư chưa đủ hấp dẫn; các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được tổ chức thường xuyên...

Đẩy mạnh thu hút dự án FDI, tỉnh Sơn La đang tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh việc hình thành các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện hạ tầng logistics để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Ban hành các cơ chế, giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết, quy hoạch sản xuất... Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top