Trong những năm qua, quá trình phát triển đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được một số mặt tích cực như gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô lẫn tốc độ.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với gần 800 đô thị. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ đô thị hoá đã khoảng 36%. Con số này sẽ tiếp tục được tăng lên trong nhiều năm tới, tương ứng 1 triệu đến 1,2 triệu cư dân tham gia sống ở các đô thị hàng năm.
Tuy nhiên, gắn với sự phát triển đó là rất nhiều khó khăn thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Trong đó, đáng lưu ý, nhất là mức độ ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn như Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay, quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số, số lượng phương tiện giao thông là những nguyên nhân khiến chất lượng không khí có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là ở khu vực nội thành.
“Chất lượng môi trường không khí của thành phố đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số điểm đã vượt giới hạn cho phép.
Theo các chuyên gia về môi trường đến từ Đức thì, bụi chiếm lượng lớn trong số chất ô nhiễm ở Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được cho là sự gia tăng các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông và các trang thiết bị phát thải khí vào bầu khí quyển. Đặc biệt, số lượng xe máy ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng gia tăng quá nhanh.
Ở tầng càng cao, người dẫn sẽ có không gian yên tĩnh, ngủ càng ngon, chất lượng cuộc sống càng cao. Bên cạnh đó, tầng càng cao thì càng ít bụi, càng đỡ mắc bệnh đường hô hấp hơn .
Một số chung cư gần sông bẩn, bãi rác thì càng lên cao càng đỡ mùi hơn, càng đỡ mắc bệnh vì ô nhiễm không khí hơn.
Các chuyên gia từ Đại học Bern, Thụy Sĩ phát hiện nguy cơ chết vì bệnh phổi nghiêm trọng tăng lên 40% ở những cư dân thành thị sống trong nhà mặt đất, so với những người ở các chung cư từ tầng 8 trở lên.
Với bệnh tim, tỷ lệ tử vong chênh lệch giữa hai nhóm này cũng lên đến 35%, và nguy cơ chết vì ung thư phổi của người sống trong nhà mặt đất cũng cao hơn 22%.
Từ giữa năm 2000 đến 2008, các nhà nghiên cứu xác định có tổng số gần 143.000 người ở trong các tòa nhà cao tầng tại Thụy sĩ qua đời. Tính chung, số người sống ở tầng sát đất có nguy cơ chết vì tất cả các bệnh cao hơn 22% so với người ở tầng 8 trở lên.
Chính những điều trên cũng phần nào tác động tới sự chuyển dịch trong thị hiếu của người tiêu dùng khi lựa chọn bất động sản. Theo đó, với những dự báo về mức độ ô nhiễm sẽ ngày càng tăng trong những năm tới, nhiều người chuyển sang mua nhà ở các vùng ngoại ô và một số khác thì chọn những căn hộ cao tầng để có thể hưởng thụ được bầu không khí trong lành và bớt ô nhiễm hơn.
Trên thực tế, quan sát trên thị trường cũng cho thấy, những toà nhà cao tầng đang dần thay đổi cách sinh sống của mọi người. Không gian trên cao lên tới vài trăm mét đang trở thành nơi để người dân thành phố sinh sống, làm việc và vui chơi. Những điều trên phần nào lý giải nguyên nhân những công trình cao chọc trời đều có một sức hút lớn và trở thành điểm nhấn quan trọng trong thành phố./.