Ghi nhận cho thấy, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đất nền TP.HCM và các vùng phụ cận đã chững lại rõ nét. Báo cáo của Colliers Việt Nam chỉ ra, từ cuối tháng 4 đến tháng 5/2021, lượng tìm kiếm và đặt hàng đất nền đã giảm từ 10 - 20%. Nhiều khu vực trước đó sôi nổi lượt tìm kiếm thì nay đã giảm mạnh.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong tháng 5, dịch Covid-19 lần 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành khiến mức độ quan tâm đến bất động sản loại hình đất nền giảm đến19%, đặc biệt là đất nền dự án giảm đến 23%.
Một số dự báo của chuyên gia, có thể trong quý 3 của năm 2021, bất động sản sẽ đối mặt với hiện tượng khách hàng khó xuống tiền do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các khoản đầu tư của nhà đầu tư đang bị sụt giảm về thanh khoản, một vài nơi giảm giá cũng khiến tâm lý của nhà đầu tư bị xáo trộn.
Tuy nhiên, có thể dễ nhận thấy là hiện tượng thị trường bất động sản chững lại ở các phân khúc đều đến từ lý do dịch bệnh. Tâm lý e dè, trữ tiền của người dân khiến dòng tiền vào bất động sản chậm lại, cũng là điều dễ hiểu. Theo các chuyên gia, thị trường chỉ thực sự cải thiện khi dịch Covid-19 chìm xuống, người dân có thể đi coi sản phẩm thực tế, dòng tiền bền vững cũng chỉ xuất hiện khi niềm tin vào bất động sản mạnh mẽ hơn.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu sau khi dịch Covid-19 chìm xuống, phân khúc đất nền có tiếp tục đợt "sóng" mới?
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, sau dịch giá đất sẽ tăng lại, ít nhất là 10 - 20% hoặc hơn nữa. Sẽ có làn sóng nhỏ đầu tư đất nền sau khi dịch được kiểm soát. Theo vị chuyên gia này, hiện lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào bất động sản. Cho nên, sau dịch Covid-19 nhiều người muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm secondhome, nhà vườn…là xu hướng dễ thấy. Hơn nữa, dịch kiểm soát tốt, kinh tế phát triển trở lại theo ông Quang dĩ nhiên kéo theo thị trường bất động sản tăng theo.
Chỉ ra những khu vực dễ sốt đất khi dịch đi qua, vị chuyên gia này cho rằng, đó là đất nền khu công nghiệp (Long An, Đồng Nai, Bình Dương); đất nền khu nghỉ dưỡng (Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng); ngoài ra, địa phương nào có chủ đầu tư có dự án quy mô, phát triển dài hạn thì đất nền cũng phát triển nóng theo.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh lại cho rằng, tiến độ phục hồi của bất động sản phụ thuộc vào tiến độ của việc Chính phủ triển khai vắc -xin Covid-19. Trên nền tảng đó khó xảy ra cơn sốt đất vào quý 3 và quý 4 năm nay. Nếu xảy ra sốt đất, vị chuyên gia này cho rằng, đó là nhóm địa phương đã từng xảy ra sốt đất trước đây như: Đà Nẵng, Bình Phước, hoặc các tỉnh ven Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Phòng… Đặc biệt, theo ông Chánh, sẽ có làn sóng F0 của chứng khoán sẽ thành F0 của bất động sản, hoặc các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác sẽ chuyển dòng tiền vào bất động sản.
Cùng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho hay, nhiều năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven của TP.HCM luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn này, phân khúc này đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và trong khoảng 6 tháng tới, sẽ rất khó để phân khúc này trở lại nhộn nhịp như trước đây.
Nhưng không thể phủ nhận, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư đất nền muốn tìm kiếm lợi nhuận từ phân khúc này. Đặc biệt, ở những địa phương mới bắt đầu phát triển, quỹ đất còn nhiều thì đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì tỷ suất lợi nhuận tốt (so với phân khúc căn hộ), mức giá phải chăng, giúp nhà đầu tư có một kênh để điều tiết dòng tiền hiệu quả.
Theo vị chuyên gia này, đất đai là tài nguyên hữu hạn. Giá đất tại Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với các quy định pháp lý liên quan, sự phát triển của cơ sở hạ tầng cũng như tốc độ đô thị hóa. Khi các yếu tố này từng bước được cải thiện, đất đai cũng sẽ gia tăng về giá trị.
Thị trường cũng luôn có sự tự điều chỉnh và người dân chỉ chi tiền ở mức mà họ cho là "xứng đáng", phù hợp. Nếu mặt bằng giá đất quá cao, các chủ đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án mà họ phát triển. Vậy nên, về dài hạn, thị trường sẽ diễn biến theo hướng từng bước hài hòa hơn về lợi ích giữa các thực thể liên quan, trong đó có chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư và người mua có nhu cầu thực.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên hạn chế vay ngân hàng, nếu có tiền túi 100% là tốt nhất, còn nếu vay thì nên vay tối đa khoảng 40%, để hạn chế rủi ro./.