Aa

Bất động sản 24h: Cò đất kể chuyện “bẻ lái“ thoát lỗ khi sốt đất đột ngột giảm

Thứ Tư, 19/05/2021 - 10:30

Cò đất kể chuyện đổi đời nhờ chiêu ‘lướt cọc’ 1 vốn 10 lời, sẵn sàng bẻ cọc thoát lỗ khi sốt đất đột ngột giảm; 2 yếu tố khác biệt của thị trường văn phòng Hà Nội và TP.HCM... là những thông tin được quan tâm.

Cò đất kể chuyện đổi đời nhờ chiêu ‘lướt cọc’ 1 vốn 10 lời, sẵn sàng bẻ cọc thoát lỗ khi sốt đất đột ngột giảm

Quy trình mua bán nhà đất trong điều kiện bình thường là ký hợp đồng đặt cọc mua tài sản và đôi bên cùng ra công chứng cọc trong thời gian từ 2 tuần đến 8 tuần Tuy nhiên, những nơi sốt đất ảo thường có diễn biến đặt cọc phức tạp hơn rất nhiều vì số lần đặt cọc một nền đất có thể xuất hiện bên thứ ba. Cụ thể, bên B đặt cọc mua đất của bên A, nhưng ngay sau đó bên B tiếp tục bán cho bên C bằng hình thức ký hợp đồng nhận cọc vì giá đất tăng mạnh, có thể chốt lời nhanh. Dân môi giới gọi đây là hình thức lướt cọc nhanh kiếm lời.

hậu quả sốt đất
Ảnh minh hoa

Thời gian vừa qua, tranh thủ trước cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư săn đất nền dự án “đặt cọc” lướt sóng mang về lợi nhuận khủng chỉ trong thời gian ngắn. “Liều ăn nhiều”, có những nhà đầu tư kiếm ngay tiền tỷ chỉ trong vài tháng lướt cọc. Theo lời chị Minh (Hà Nội), một môi giới BĐS tại Quảng Ninh cho biết thời điểm đầu năm 2019 – khi thị trường BĐS Vân Đồn, Hạ Long sốt nóng, chị vừa môi giới vừa lướt cọc và thu lãi cả tỷ sau gần 2 tháng.

"Thời điểm đó, đất dự án hiếm, giá còn rẻ chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2, cứ ra là hết hàng. Có mối quan hệ với chủ đầu tư một dự án ngay giữa trung tâm thị trấn Cái Rồng tôi chỉ cần xuống tiền cọc khoảng 50 triệu/lô để giữ chỗ. Sau đó có khách hàng quan tâm, tôi bán sang tên số tiền chênh từ 50 đến 100 triệu, thậm chí có lô đẹp chênh tới 200 triệu/lô. Lướt 3 lô tôi lãi gần nửa tỷ", chị Minh cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

2 yếu tố khác biệt của thị trường văn phòng Hà Nội và TP.HCM

Các văn phòng cao cấp tập trung vào đối tượng các khách thuê doanh nghiệp, thường được ưu tiên phát triển tại các khu vực kinh tế trọng điểm của một thành phố lớn như khu vực Hoàn Kiếm tại Hà Nội và khu vực quận 1 tại TP.HCM. Tuy nhiên, vì quỹ đất giới hạn và chi phí phát triển bất động sản tại các khu vực trung tâm không hề thấp, các nhà phát triển bất động sản văn phòng Hà Nội và TP.HCM đang có sự dịch chuyển, mở rộng dự án ra ngoài trung tâm.

Đáng chú ý, Hà Nội đã bắt đầu sự chuyển dịch từ 10 năm trước và TP.HCM bắt đầu trong 2 năm trở lại đây. Hiện tại, Hà Nội đã hình thành rõ rệt 3 trung tâm tập trung văn phòng hạng A gồm khu Hoàn Kiếm, khu Nội thành (chiếm 38% tổng nguồn cung văn phòng hạng A) và khu vực phía Tây Thủ đô (chiếm 35%).

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Việc chuyển dịch từ rất sớm đã tác động tích cực đến giá thuê. Khoảng 10 năm trước, hai khu vực Nội thành và phía Tây phải giảm giá thuê để thu hút khách thuê thì nay đã ghi nhận sự ổn định và tăng trưởng. Giá thuê tại các khu vực này không cao như quận trung tâm nhưng khách thuê được hưởng những lợi ích nhất định và chất lượng toà nhà rất tốt. Vì vậy, nhu cầu văn phòng hạng A khá cao ở 2 trung tâm mới, thậm chí cao hơn cả quận Hoàn Kiếm”.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills HCM cho biết: “Nguồn cung thị trường văn phòng TP.HCM tiếp tục dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm. Trong 3 năm tới (2021 - 2023), TP.HCM không có nguồn cung mới cho văn phòng hạng A, nhưng trong tương lai cũng sẽ hình thành rõ rệt các khu vực mới tập trung văn phòng hạng A như thị trường Hà Nội”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Các kênh huy động vốn đều sôi động, thị trường bất động sản khỏi lo thiếu vốn

Báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng cho hay, tính đến hết ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản là 10,13 tỷ USD, tăng 15,56% so với 3 tháng đầu năm 2020. Tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 là 0,6 tỷ USD, tăng 56%.

Có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản như: Việt Nam có sự ổn định về chính trị và tăng trưởng kinh tế, rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

vốn bất động sản
Ảnh minh họa

Theo dự báo, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào khả năng khống chế dịch thành công của Việt Nam. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực về thu hút FDI.

Trong khi đó, về tình hình cấp tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Đến cuối tháng 2, tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,13%; tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020. Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn biến động đi lên nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đông Bình Dương, C-Holdings… sai phạm hàng loạt, Chủ tịch tỉnh yêu cầu thanh tra xử lý

UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã có văn bản số 1333/UBND-KT, về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương giao các sở ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Song song đó là theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn. 

Đặc biệt, UBND Bình Dương cũng yêu cầu công bố, công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá trục lợi bất hợp pháp.

Bên cạnh đó là thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương; có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thanh Hoá tạm dừng nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất vì Covid-19

Theo đó trong những ngày gần đâu, nhiều đơn vị đấu giá tại địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động thông báo tạm dừng việc bán hồ sơ và hoãn các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho tới khi có thông báo trở lại.

Điển hình, ngày 12/5/2021, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Anh có văn bản số 118/CV-HA về việc tạm dừng đấu giá phòng chống dịch Covid-19 tại xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn. Công ty này cũng tạm dừng bán hồ sơ, thu hồ sơ, nộp tiền đặt trước và đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Công Liêm, huyện Nông Cống.

Ngày 7/5/2021, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú- Chi nhánh Thanh Hoá cũng ra thông báo tạm hoãn mời tham gia đấu giá (bao gồm dừng bán, tiếp nhận hồ sơ, nộp tiền đặt trước, tổ chức cuộc đấu giá) với 21 lô đất Khu dân cư xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn cho đến khi có thông báo mới. Công ty này cũng lưu ý các khách hàng đã mua hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở tại 21 lô đất trên nếu không có nhu cầu đấu giá có thể liên hệ để được trả lại tiền mua hồ sơ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top