Aa

Sốt đất hạ nhiệt, “cò“ mất hút, đầu cơ vỡ mộng

Thứ Bảy, 15/05/2021 - 06:30

Sau khi các địa phương có chỉ đạo kiểm tra việc giá đất bị đẩy lên cao và tình trạng phân lô bán nền tràn lan, hiện ở tỉnh Ninh Bình và Quảng Trị sốt đất đã hạ nhiệt.

Ở các khu vực trước đây mỗi ngày tập trung đông “cò” đất ghé thăm, nay vắng bóng. Không ít ôm đất lúc giá cao, nay muốn bán lại cũng khó dù giá rớt thảm.

Diện tích đất được đẩy giá nằm trong khu vực quy hoạch sân bay tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ
Diện tích đất được đẩy giá nằm trong khu vực quy hoạch sân bay tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ

"Cò đất" mất hút, nhiều người bỏ cọc

Từ khoảng tháng 2/2021, đất đai ở các khu vực trung tâm tỉnh Quảng Trị bắt đầu lên giá. Tại Khu đô thị Nam Đông Hà (TP.Đông Hà), trước Tết Nguyên đán, các lô đất dọc tuyến đường 15,5m giá chỉ từ 5 đến 5,5 triệu đồng/m2 thì bất ngờ tăng lên 8 triệu đồng/m2. Ở Khu đô thị Bắc sông Hiếu (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) dọc các tuyến đường nhựa 15,5m được bán với giá chỉ từ 7 - 8 triệu/m2 tăng lên trên 10 triệu đồng/m2. Lúc đó, mỗi ngày tại 2 khu đô thị nói trên, nườm nượp khách từ ngoại tỉnh, trong tỉnh đến xem đất, việc mua bán, cọc đất diễn ra ngay tại chỗ rất náo nhiệt.

Thấy bạn bè mua đi bán lại mấy miếng đất mà thu lời đậm, vào thời điểm giữa tháng 3/2021, chị N.T.T (trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mua 1 mảnh đất ở Khu đô thị Nam Đông Hà với giá 1,5 tỷ đồng. Khu vực đất chị T mua trước kia được nhà nước hoàn thiện đường, điện rồi đấu giá. Sau khi hoàn thiện các thủ tục sang tên mảnh đất được 5 ngày, có người đến trả giá gần 1,6 tỷ đồng nhưng chị T không bán. Thấy có dấu hiệu lời, chị T đem sổ đỏ đi vay vốn, mua thêm 1 miếng ở cạnh đó với giá 1,6 tỷ đồng. Nhưng chỉ một thời ngắn, thấy giá đất có vẻ chùng xuống, chị T rao bán, nhưng giá chỉ được 1,4 tỷ đồng/lô. Chị T không bán, nhưng tính toán lãi ngân hàng hàng tháng, và giá đất lại tiếp tục giảm, nên đầu tháng 5 vừa rồi, chị T bán 1 mảnh với giá gần 1,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Hữu - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện giá đất tại thị trường tỉnh Quảng Trị đang giảm, giao dịch mua bán cũng giảm hẳn. “Nhiều khu đất có giá giảm hơn 10%, như ở Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3 thì nhiều người mua chấp nhận vứt tiền đặt cọc, vì giá đất giảm hơn cả tiền đặt cọc” - ông Nguyễn Trí Hữu - thông tin.

Vỡ mộng vì sốt đất

Trong cơn sốt đất xảy ra tại huyện Gia Viên, thành phố Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 rất nhiều người vì hám lợi, không nắm bắt thông tin chính xác đã vội đầu tư nay bạc mặt.

Anh Nguyễn Thanh Tú (người dân tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) cho hay, sau Tết Nguyên Đán 2021, vào thời điểm tháng 4/2020, giá đất ở đây được đấu chỉ khoảng 400 triệu đồng/lô thì đến đầu năm 2021 đã tăng lên đến 1,2 tỷ đồng/lô. Nhiều người thấy giá đất tăng nên đã đi vay mượn, cầm cố tài sản để đầu tư vào đất nhưng đến nay không bán được. Như chồng anh Nguyễn Khắc Cư (trú tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) đã vay mượn của bạn bè, người thân và cắm cả sổ đỏ để đầu tư mua 2 mảnh đất với diện tích 100m2/mảnh. “Thời điểm vợ chồng tôi mua là vào tháng 3/2021 với giá là 900 triệu đồng/mảnh, với mong muốn đầu tư kiếm lời, ai ngờ khi làm thủ tục xong và bàn giao tiền thì giá đất lại giảm, chào bán không có ai mua. Hiện tại khách mua chỉ trả với giá 550 triệu/lô” - anh Cư nói.

Bà Vũ Thị Dược, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, sở dĩ đất nền ở khu vực này tăng cao là do một số nhà đầu tư bất động sản nắm bắt được thông tin có liên quan đến yếu tố hạ tầng, đó là dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình vừa được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch chung với tổng diện tích là 1.984ha, thuộc địa phận 7 xã của hai huyện Gia Viễn và Nho Quan với tổng mức đầu tư khoảng 1 - 1,5 tỷ USD. “Việc giá đất ở đây được thổi lên cao chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khoảng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2021. Đến thời điểm hiện tại giá đất ở đây đã lắng xuống và không còn sốt như trước" - bà Dược nói.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trước tình trạng giá đất đột nhiên được thổi lên cao như vậy, UBND tỉnh Ninh Bình đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bình ổn giá đất trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan Công an điều tra theo thẩm quyền. “Đặc biệt, Công an tỉnh tiếp tục nắm tình hình, phát hiện, xử lý các cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có hành vi thông đồng, móc ngoặc với các đối tượng để mua bán chuyển nhượng đất trái phép, thông đồng nâng giá trong các cuộc đấu giá tài sản. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, giải quyết các vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, hoạt động bất động sản, giá đất nền trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã ổn định trở lại” - ông Sơn nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top