Sau Tết Âm lịch, tại nhiều tỉnh thành, giá đất nền liên tục lập đỉnh. Mức giá tăng nhanh chỉ trong vòng 1-2 tháng. Ngay sau đó, các Bộ ngành và lãnh đạo các địa phương đã liên tục thực thi các giải pháp để bình ổn cơn sốt đất, như tạm dừng tách thửa, dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp thành đất ở, kiểm tra pháp lý của các dự án. Cộng với ảnh hưởng từ dịch COVID-19 bùng phát, giá đất nền tại một số nơi đã hạ nhiệt nhanh chóng.
Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Phước, và một số huyện ngoại thành Hà Nội đã trở thành tâm điểm của cơn sốt đất hồi đầu năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khung cảnh rất đìu hiu, vắng vẻ. Các sàn giao dịch cho biết, tham gia giao dịch trong cơn sốt đất vừa qua chủ yếu là các nhà đầu tư.
Nhiều trường hợp chưa trả hết số tiền mua đất mà chỉ mới dừng ở việc đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng. Nay, họ sẵn sàng bỏ cọc, mất khoản tiền này còn hơn là tiếp tục xuống tiền để chịu lỗ bởi giá đất nền nhiều nơi đã giảm 20-30% so với thời điểm sốt nóng. Cá biệt, có nơi còn giảm tới 1 nửa, chủ yếu tại các dự án dang dở, chưa xong thủ tục pháp lý.
"Lượng giao dịch sụt giảm và giá bán cũng tương tự. Một số nhà đầu tư hiện đã bỏ cọc chấp nhận mất tiền cọc", ông Phạm Đức Toàn - Giám đốc Sàn Giao dịch BĐS EZ Land cho biết
Tại một số tỉnh có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, như tại Bắc Giang, thị trường gần như hoàn toàn đóng băng.
"Giá đã giảm, xuất hiện hiện tương cắt lỗ. Giao dịch không nhiều, chủ yếu là các nhà đầu tư tự giao dịch với nhau, chứ người mua thật gần như không có", Lò Thị Dung - TGĐ Sàn bất động sản Đông Dương Land nhấn mạnh
Ở các tỉnh phía Nam, số liệu từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong tháng 5, nguồn cung đất nền tại các nơi như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu, Long An chỉ đạt 1.000 sản phẩm, giảm 30% so với tháng trước, kèm theo đó là lượng tiêu thụ đã giảm hơn 60%. Nguyên nhân là do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và người mua có tâm lý thận trọng hơn sau những cơn sốt đất thời gian qua.