Đất vàng phố cổ "chờ dài cổ" vẫn không có khách thuê
Trước đây, khi dịch bệnh chưa tàn phá ngành du lịch, du khách ngoại quốc liên tục tham quan phố cổ Hà Nội, những cửa hàng lưu niệm, ăn uống luôn tấp nập người ra kẻ vào. Khi ấy, để kiếm được một mặt bằng thuê trên phố cổ "khó như tìm vàng" mà giá thuê thì rất cao, thế nhưng giờ đây đi bất kể con đường nào trong khu phố cổ cũng bắt gặp những tấm biển "nhà cho thuê", "bán nhà"...
Hà Nội đã trở về trạng thái "bình thường mới", mở cửa đón khách du lịch trở lại từ ngày 15/3, trong khi thị trường bất động sản ở khắp nơi đang sốt hầm hập, giá nhà đang tăng chóng mặt thế nhưng, các nhà mặt tiền phố cổ ở Hà Nội vẫn đang tìm kiếm khách thuê kèm theo nhiều ưu đãi.
Theo ghi nhận của PV Reatimes, nhiều cửa hàng trên phố cổ đã hoạt động trở lại, tuy nhiên còn rất nhiều mặt bằng nằm tại các vị trí đẹp trên phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Đào... hay trên những con phố lớn như Phố Huế, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... vẫn đóng cửa im lìm.
Anh Bình, môi giới bất động sản Hà Nội cho biết: "Ngày trước người này hết thuê là người khác nhảy vào thuê luôn, tuy nhiên, thời điểm này khách du lịch vẫn chưa quay trở lại nhiều như xưa nên các nhà kinh doanh vẫn chưa dám mạo hiểm đầu tư vào mặt tiền phố cổ dù giá đã giảm từ 30 - 50%".
Theo chia sẻ của ông Khôi (65 tuổi), sống tại phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm: "Hầu hết các cửa hàng trên phố đều được các khách hàng ngoại quốc như Hàn Quốc thuê, tuy nhiên, từ hồi có dịch Covid-19, họ không trụ nổi nữa đều phải trả lại mặt bằng".
Nói về tình hình kinh doanh hiện tại, anh Tuấn Anh - một tiểu thương trên phố Hàng Bông chia sẻ: "Dù biết mở bán hàng cũng không bán được nhưng vẫn phải mở để cửa hàng thông thoáng, tránh ẩm mốc chứ thực ra có bán được đâu vì làm gì có khách".
Theo quan sát của phóng viên, gần 40% số cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố cổ vẫn chưa hoạt động trở lại. Một số ít cửa hàng đã mở nhưng rất vắng khách, nhất là các cửa hàng bán đồ cho khách du lịch.
Hiện nay, nhiều chủ nhà không tìm được khách cho thuê mới, nhiều tiệm bỏ trống từ năm trước, giờ đã có dấu hiệu xuống cấp, sơn tường bong tróc. Thậm chí, một số cửa hàng còn bị công ty điện lực dán giấy thông báo ngừng cấp điện ngoài cửa.
Dịch vụ khách sạn, ăn uống, làm đẹp, thời trang… hướng đến nhóm khách du lịch nước ngoài ở phố cổ Hà Nội đang lâm vào cảnh ế ẩm, đìu hiu. Nhiều hộ kinh doanh thua lỗ, không còn đủ tiền cho chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước đã phải trả mặt bằng, treo biển sang nhượng.
Cần thời gian để phục hồi
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng từ Covid-19, người dân đang thích ứng dần lại với nhịp sống, khi thị trường bán lẻ và du lịch, dịch vụ phục hồi hoàn toàn thì các mặt bằng cho thuê trung tâm thành phố mới khởi sắc trở lại.
Chia sẻ với báo chí gần đây, bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, hiện tại chỉ khoảng 5% các khách sạn tại Hà Nội đi vào hoạt động hết công suất trong thời điểm này.
Lý giải về nguyên nhân trên, bà Hà cho hay, dù đã mở cửa du lịch nhưng lượng khách vẫn còn hạn chế, theo tính toán vẫn chưa thể bù được chi phí vận hành của các khách sạn. Ngoài ra, một số nơi thiếu nhân viên trầm trọng do dịch bệnh, một số khác đang trong trạng thái sửa chữa, tân trang lại sau thời gian dài nghỉ dịch nên hoạt động khách sạn thời điểm này vẫn còn ảm đạm.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam cho rằng: “Những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong ngắn hạn. Thị trường dự báo sẽ ấm dần lên và hồi phục vào những tháng cuối năm. Lượng khách mua sắm đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần và lượng khách du lịch trong nước tăng cao cho thấy người tiêu dùng đã bắt nhịp với hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành thương mại khác nhau"./.