Aa

Sử dụng sai mục đích đất, tài sản công: “Tảng băng chìm” thất thoát

Thứ Sáu, 01/05/2020 - 06:00

Câu chuyện thời sự về việc 12 cựu quan chức đã nghỉ chế độ nhưng không trả lại nhà công vụ, bị Bộ Xây dựng phát công văn đòi nhiều lần chỉ là một phần nhỏ của tình trạng biến đất công thành đất tư.

Để tránh thất thoát tài sản công, các dự án đối ứng cho dự án BT cũng nên được đưa ra đấu giá, đấu thầu

Buông lỏng quản lý tài sản công

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và xã hội, có hai hình thức đất đai là tài sản công, thứ nhất là thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp nhà nước và thứ hai là thuộc quyền sử dụng của đơn vị sự nghiệp nhà nước.

Với các khu đất này, khi muốn triển khai dự án bất động sản phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước, rồi mới thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường "làm việc" với chính quyền một số địa phương, cơ quan quản lý để chuyển đổi quy hoạch trước khi chuyển đổi công năng sử dụng đất. Đây chính là sai phạm trong thực hiện dự án đối với đất công.

Không những thế, việc điều chỉnh quy hoạch lại không có căn cứ và bỏ qua quy trình thủ tục. Chẳng hạn, theo quy định, khi điều chỉnh quy hoạch phải xin ý kiến nhân dân, nhưng thường khâu này bị bỏ qua. Điều này đã vi phạm vào pháp lệnh dân chủ cơ sở xã, phường (dân không biết, không được bàn).

Sau khi chuyển đổi công năng sử dụng đất, theo quy định với đất công thì phải đấu giá, đấu thầu, bất kể là đã đền bù giải phóng mặt bằng hay chưa.

Với các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan sự nghiệp nhà nước nếu không còn sử dụng đất được giao theo mục đích ban đầu thì phải trả lại cho Nhà nước. Việc chuyển đổi công năng, hay giao lại cho đơn vị khác sử dụng, hay đấu thầu, đấu giá là quyền của Nhà nước. Còn nếu doanh nghiệp, đơn vị vẫn có nhu cầu sử dụng đúng với chức năng, thì Nhà nước vẫn cho thuê theo thời gian còn lại.

“Tuy nhiên, chúng ta đang bỏ qua một số khâu rất quan trọng trong việc quản lý, để cho các bên tự liên doanh liên kết, tự ý chuyển đổi công năng khu đất để thực hiện dự án bất động sản. Việc này là trái với quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, mang lại lợi ích lớn cho các nhóm liên kết với nhau, trong khi Nhà nước và nhân dân chịu thiệt”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, Luật Đất đai đã quy định rất rõ, đối với đất nhà ở thương mại, đất sản xuất - kinh doanh… phải tổ chức đấu giá. Luật Quản lý sử dụng tài sản công cũng quy định, tài sản trên đất cũng như giá trị quyền sử dụng đất đều được đấu giá và phải thuê đơn vị tư vấn để thẩm định giá. Nếu không có đơn vị tư vấn thì phải thành lập hội đồng thẩm định giá của nhà nước.

Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, có sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích, thiếu công khai minh bạch nên đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất công.

“Thế nên mới xảy ra tình trạng “của Nhà nước thì mang đi cho, còn của xã hội thì lại mang đi bán”. Đây là lỗ hổng để nhóm lợi ích lợi dụng, làm thất thoát tài sản nhà nước”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành dẫn chứng, trong một nghiên cứu chuyên đề về “Công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình” mới đây của Viện Khoa học môi trường và xã hội, sơ bộ trong 2.500 dự án bất động sản ở Hà Nội, có 50 dự án sai phạm toàn phần, riêng số tiền thất thoát do không thông qua đấu giá, đấu thầu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nhiều sai phạm đã được thanh tra, kiểm toán chỉ ra cụ thể, rõ ràng, nhưng đến giờ, chính quyền vẫn chưa xử lý rốt ráo.

Đơn cử, khu đất dự án Khu liên cơ quan TP. Hà Nội và Văn phòng 63 tỉnh, thành. Trước đây, Nhà nước đã đền bù giải phóng mặt bằng, sau đó lại giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại cao tầng mà không thông qua đấu thầu hay đấu giá. Điều này không chỉ sai trong sử dụng tài sản công, mà còn gây ảnh hưởng về tầng cao, mật độ xây dựng dẫn đến hệ số sử dụng đất tăng, kết cấu hạ tầng xã hội tăng đột biến, gây xung đột xã hội ở khu dự án này. Tuy có mang được một số lợi ích về cho Nhà nước, nhưng lợi ích đấy không đủ để xây dựng và hoàn thiện các kết cấu hạ tầng xã hội quanh đó.

Không chỉ xảy ra sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công, biến nhiều khu đất công thành đất dự án bất động sản, mà còn xảy ra sai phạm khác trong việc sử dụng tài sản công, chẳng hạn như nhà công vụ, đầu giá mua sắm trang thiết bị...

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, với quy định Luật Nhà ở 2005 (trước đây) và Luật Nhà ở 2014 (hiện nay), nhà ở công vụ không thể thực hiện việc hóa giá bán cho người sử dụng như các quy định và chính sách trước đây. Do đó, nếu cơ quan nhà nước nào bán nhà ở công vụ, cho dù bán cho người đang ở hoặc đưa ra đấu giá là hoàn toàn sai.

Theo ông Phượng, nhà ở công vụ nếu bán thì cơ quan đang quản lý sẽ phải chuyển giao cho cơ quan hành chính quản lý, sau đó chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở công vụ sang nhà ở thương mại, hay nhà ở xã hội. Khi đó mới có thể bán, cho thuê, thuê mua cho đối tượng nhà ở xã hội theo quy định Luật Nhà ở hoặc đưa ra đấu giá tài sản công theo quy định pháp luật.

“Vụ việc 12 cựu quan chức vừa bị Bộ Xây dựng thông báo thu hồi nhà ở công vụ cho thấy, có nhiều trường hợp người ở nhà công vụ trì hoãn việc trả nhà, với lý do chờ hóa giá là không hiểu luật và chỉ giải trình cho có vẻ hợp lý để đỡ ngại hơn. Thậm chí, không chỉ người không trong lĩnh vực pháp luật, mà cả người giữ chức vụ trong ngành pháp luật cũng nêu ra lý do đó thì càng xấu hổ hơn”, luật sư Phượng cho biết.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Thành, trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong sử dụng tài sản công này đầu tiên phải thuộc về đơn vị sử dụng đất. Dù biết sai, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố tình trình chính quyền địa phương để chuyển đổi công năng khu đất, bắt tay liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư khác để biến đất công thành đất tư.

Tuy nhiên, để xảy ra sai phạm trên không chỉ mỗi doanh nghiệp, mà cả chính quyền địa phương. Doanh nghiệp trình sai, chính quyền địa phương không bác, mà còn ký chấp thuận, nên lãnh đạo địa phương và các đơn vị tham mưu cũng phải chịu trách nhiệm về sai phạm này.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo địa phương, sở ngành bị xử lý vì sai phạm này.

Theo ông Thành, tất cả những vụ việc sai trái trong sử dụng tài sản công này đều phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Dù đã có nhiều vụ việc được xử lý nghiêm khắc, nhiều lãnh đạo địa phương, sở, ngành, doanh nghiệp bị khởi tố, nhưng số vụ sai phạm bị xử lý vẫn còn rất ít. Chúng ta đang đùn đẩy trách nhiệm, chỉ mới “bắt con tép”, mà chưa động tới "con tôm", theo kiểu “con mèo ăn vụng miếng mỡ thì đuổi đánh bằng được, nhưng con hổ ăn cả con lợn lại đứng nhìn”.

Theo ông Thành, chúng ta phải xử lý triệt để những dự án sử dụng đất công sai mục đích, đúng người đúng tội. Đồng thời, thực hiện nghiêm các luật, quy định về sử dụng tài sản công, minh bạch việc công khai thông tin, đẩy mạnh giám sát để hạn chế và đẩy lùi trong sử dụng tài sản công, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước và tài sản công.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn, thời gian tới, Thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công... Song song đó, cơ quan chuyên môn cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu về tài sản công vào cơ sở dữ liệu tài sản công của Thành phố và cơ sở dữ liệu tài sản công quốc gia của Bộ Tài chính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top