Aa

Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội: Cần thiết thu hồi tài sản công

Chủ Nhật, 14/07/2019 - 02:01

Bài toán giãn dân phố cổ đang thực hiện rất dễ phá sản bởi chúng ta đang giải quyết theo hình thức áp đặt, chưa tôn trọng quyền công dân.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, tại các khu phố cổ còn chưa đến 10% là người dân phố cổ, số còn lại là người nơi khác đến đã ảnh hưởng tới hình ảnh khu phố cổ ngày hôm nay. Họ chính là các doanh nghiệp đang thôn tính những người dân có nhà trong khu phố cổ để xây dựng hàng loạt khách sạn, nhà hàng…

Không mang tính khả thi

PV: Đề án giãn dân phố cổ đã có 20 năm, nhưng đến nay gần như đang giậm chân tại chỗ. Vậy theo ông, mấu chốt của việc này nằm ở đâu?

KTS Trần Huy Ánh: Việc triển khai không hiệu quả vì nó không đảm bảo khả thi so với thực tế, mà hoàn toàn mang hình thức áp đặt.

Bản chất sự di chuyển của dân phố cổ đã có sự thay đổi, theo nhiều thời kỳ và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thị trường, trong đó 2 mốc quan trọng đó là thời điểm Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận (1986), sự vận động xã hội mạnh mẽ đã tác động đến không gian vật chất của thành phố, trong đó có sự thay đổi của các khu phố cổ; thời điểm tiếp theo là năm 2008, do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới, bất động sản tại Việt Nam thời điểm này trở nên nóng sốt đỉnh điểm và cũng từ lúc này hàng trăm khách sạn được mọc lên từ việc thỏa thuận, mua bán. (Hiện nay có khoảng 400 khách sạn được xây dựng trên phạm vi này).

Cho đến lúc này, chính sách di dân không còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế chuyển đổi năng động như hiện nay, bởi bản chất nó đang đối mặt với nền kinh tế thị trường.

Câu chuyện giãn dân phố cổ tới khu tái định định cư ở Việt Hưng cũng giống như chuyện xây ký túc xá cho sinh viên ở khu Pháp Vân không mang tính khả thi nên thất bại là điều tất yếu.

PV: Như ông nói, với hàng trăm khách sạn mọc lên, kèm theo đó là các vi phạm về xây dựng như xây vượt tầng, phá vỡ không gian của phố cổ đang là nguyên nhân để dân số khu vực này tiếp tục tăng?

KTS Trần Huy Ánh: Về mặt không gian vật lý, khu phố cổ còn rất ít. Chúng ta đang cùng nhau nói câu chuyện bảo tồn, trong khi bản chất nó đang thay đổi. Cho dù đúng phép hay sai phép thì mỗi dự án là một thực thể tài sản, mà những chủ thể đó đang tác động làm ảnh hưởng tới chính sách, chứ không hề có chuyện chính sách ảnh hưởng tới họ.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Để nói phố cổ một cách duy mỹ thì không còn nữa. Phố cổ được hình thành bằng rất nhiều giá trị khác nhau, đó là lối sống, là văn hóa, là địa lịch sử, địa văn hóa, kết cấu cộng đồng… nhưng hiện nay còn rất ít.

Các đô thị khác cũng đều như vậy. Không ai có thể đóng băng cả một xã hội trong 100 năm. Làm sao chúng ta còn phố Hàng Bạc, Hàng Than, Hàng Đào.. theo đúng nghĩa mà nó phải thay đổi thích ứng với thực tiễn.

Nhưng ngược lại, đô thị lúc này mang một hơi thở mới, một sức sống mới, sự thích ứng, sự biến đổi và vẫn là nơi thu hút du khách đến bởi sự sôi động, lối sống, sinh hoạt đầy màu sắc của bản thân nó.

Ngoài ra, với những áp lực cần phải thay đổi từ hạ tầng, như giao thông, trường học, y tế… cũng một phần khiến bản chất phố cổ phải thay đổi theo.

Thu hồi, quản lý tốt đất công sản

PV: Theo ông cái cần giữ và bảo tồn với phố cổ lúc này là gì?

KTS Trần Huy Ánh: Trước hết, chúng ta chưa nói về phía dân mà hãy nói về các tài sản công. Những tài sản thuộc về nhà nước thì hãy nghiêm túc thực hiện theo đúng mục đích, đó là các ban, ngành của sở, các doanh nghiệp được thừa kế tài sản Nhà nước như Công ty Thực phẩm, công ty chất đốt, công ty muối, trụ sở công an, quân đội, thậm chí hàng loạt rạp chiếu phim… đến nay không còn hoạt động hoặc không còn chức năng như lúc ban đầu. Nếu có hình thức trục lợi trên tài sản công thì nên di dân khỏi nơi đó, thậm chí di cả thể chế ra khỏi nó.

Với các cơ quan quản lý mới, việc sử dụng lúc này cũng không đúng mục đích, mà hãy giao nó cho doanh nghiệp và coi nó như đối tượng sinh lời và hạch toán nộp thuế cho ngân sách nhà nước như quy định sẽ hiệu quả hơn.

PV: Bản chất là phố cổ bởi nó gắn với các ngôi nhà cổ, kiến trúc cổ… nhưng cùng với thời gian rất nhiều công trình bị xuống cấp, biến dạng. Theo ông chúng ta cần làm gì để bảo tồn các công trình di sản đó?

KTS Trần Huy Ánh: Trước hết, chúng ta cần định danh tài liệu về các di sản của phố cổ; lập danh sách các di sản cần bảo tồn, sau đó xây dựng kế hoạch bảo tồn bằng nguồn lực nào; bên cạnh đó chúng ta sẽ ứng xử với những người đang sinh sống trên các di sản đó như thế nào, bởi họ có quyền sống như những người bình thường khác, chúng ta không có quyền đóng băng họ.

Với những dự án không đảm bảo tính nhân văn, tính thực tiễn thì không đưa vào danh sách. Chúng ta không nên “kẽo kẹt” làm những việc mà vốn dĩ nó đã hỏng ngay từ lúc bắt đầu làm.

PV: Vậy theo ông giải pháp hiệu quả nhất để bảo tồn các di sản phố cổ hiện nay?

KTS Trần Huy Ánh: Thứ nhất, chúng ta hãy thu hồi tài sản công sản trong đó có đình chùa, các cơ quan nhà nước để nó không còn tình trạng méo mó, nhếch nhác như một số điểm hiện nay, giao cho UBND quận Hoàn Kiếm khai thác, đấu thầu hoặc cho thuê theo cách thức khác phù hợp hơn.

Chúng ta tập trung giữ gìn các tuyến phố mang đặc trưng cảnh quan kiến trúc của tuyến phố lịch sử, như Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân… Hãy biến các tuyến phố đó thành các công trình đóng góp cho cảnh quan lịch sử của Hà Nội

Thứ hai, cần thay đổi tư duy, trách nhiệm của người quản trị và cách ứng xử với tài sản công sản cũng như tài sản của dân; với những chính sách không còn phù hợp cần kiên quyết loại bỏ.

Chúng ta có thể học kinh nghiệm từ Malaysia. Năm 2000, họ thay đổi đất nước bằng Khung kế hoạch phát triển toàn diện. Để Malaysia phát triển thành một đất nước có tầm cỡ ở châu Á, họ đưa ra một Khung mục tiêu cho 20 năm, trong đó họ tôn trọng việc đối thoại các bên (giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả các đối tác và người nước ngoài) và năm 2019 họ đã công bố thành công kế hoạch này.

Đặc biệt, ở một xã hội văn minh như hiện nay, con người được đưa làm trung tâm thì cần phải có sự tôn trọng. Chúng ta chỉ có thể xây dựng một kế hoạch, tầm nhìn trên cơ sở đồng thuận khi xây dựng kịch bản đó.

Và lúc này, câu chuyện không phải là người dân phải thực hiện điều gì, mà là chính quyền cam kết điều gì với người dân?

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top