Rào cản "ngáng đường" VLXKN phát triển
Tại Hội thảo, Ths. Phạm Văn Bắc đề cập một số vấn đề về tình hình sử dụng VLXKN trên thị trường giai đoạn 2014 - 2016. Theo ông Bắc, năm 2014, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 5 tỷ viên QTC (quy tiêu chuẩn), trong đó gạch bê tông đạt 4,1 tỷ viên, gạch nhẹ đạt 0,9 tỷ viên.
Năm 2015, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 6,5 tỷ viên trong đó gạch bê tông đạt 5,6 tỷ viên, gach nhẹ đạt 0,9 tỷ viên. Năm 2016, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 7 tỷ viên trong đó gạch bê tông đạt công suất 6 tỷ viên, gạch nhẹ khoảng 1 tỷ viên. Hiện tại trên toàn quốc có 3 dây chuyên sản xuất tấm Acotec.
Ông Bắc cho biết, ngoài 3 chủng loại sản phẩm chính trên, VLXKN còn có các sản phẩm khác như tấm tường bê tông rỗng, tấm tường thạch cao, gạch đá ong, đá chẻ... Tuy nhiên chỉ có tấm tường thạch cao được sản xuất và sử dụng rộng rãi, còn lại các chủng loại khác có thị trường nhỏ, vì vậy các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đầu tư. Sản lượng tấm tường sản xuất năm 2014, 2015, 2016 và cả nước có 3 dây chuyền tổng công suất đạt 35 triệu m2/năm.
Ông Bắc cho rằng, do tình hình tiêu thụ VLXKN gặp nhiều khó khăn nên tình hình sản xuất cũng khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất không đạt công suất thiết kế mặc dù từ năm 2014 đến nay, tình hình tiêu thụ VLXKN qua từng năm cũng đã tăng, phần nào kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Qua điều tra của Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất của gach xi măng đã từng bước tăng trên phạm vi toàn quốc, phát triển mạnh hơn là các tỉnh miền Bắc, có nhà máy đã phát huy 100% công suất thiết kế.
Đối với gạch AAC, các nhà sản xuất ở miền Nam phát huy công suất cao hơn, có nhà máy đã sản xuất đạt 80 – 90% công suất thiết kế và đã đầu tư mở rộng dây chuyền 2. Đối với gạch bê tông bọt sản xuất rất chậm, mặc dù công suất đầu tư của các dây chuyền không cao.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, quá trình sử dụng gạch không nung về cơ bản vẫn đang gặp phải những vướng mắc về chính sách, công tác quản lý, thị trường...
Cụ thể, nhiều chính sách còn chung chung, chưa phù hợp với thực hiện ở nhiều địa phương, việc tiếp xúc với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất VLXKN gặp nhiều khó khăn, giai đoạn từ 2015 trở về trước hầu như rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất tiếp cận được nguồn vốn này. Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng còn bất cập, chưa phù hợp với từng vùng miền, nên việc áp dụng gặp khó khăn.
Về công tác quản lý, theo ông Bắc, việc triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa nghiêm túc; Công tác thanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của nhiều địa phương còn hạn chế dẫn đến các cơ chế chính sách của nhà nước chưa được áp dụng, hoặc áp dụng chưa triệt để.
Ông Bắc lấy ví dụ, nhiều công trình phải sử dụng VLXKN, song khi thiết kế, thẩm định, cấp phép các công trình xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu phải đưa vào và vẫn cứ duyệt khi sử dụng vật liệu khác; Cuối cùng công tác nghiệm thu quyết toán vẫn cho qua khi công trình sử dụng vật liệu sai quy định.
Ngoài ra, công tác đào tạo sử dụng VLXKN theo ông Bắc cũng còn nhiều vấn đề khi hiện nay, chưa có giáo trình được biên soạn một cách chính thống để giảng dạy trong các trường cao đẳng, dạy nghề về lĩnh vực này.
Thị trường tiêu thụ VLXKN cũng đang có nhiều “nút thắt”. Do VLXKN là loại sản phẩm thay thế cho gạch đất sét nung sử dụng vào các hạng mục xây dựng móng, phần bao che và tường ngăn trong các công trình xât dựng; trong khi đó gạch đất sét nung vẫn sản xuất tràn lan, giá thành lại thấp, nên thị trường VLXKN bị cạnh tranh khốc liệt.
Hơn nữa, đây là sản phẩm mới còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Do không phát huy được công suất nên khấu hao lớn dẫn đến giá thành cao, do đó thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp nào để "cởi nút thắt"?
Nguyên nhân của những vướng mắc nêu trên, theo ông Bắc, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ; Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất khi mở rộng đầu tư sản xuất VLXKN lại không được hướng các chính sách ưu đãi.
Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn sử dụng Quỹ Chuyển giao Công nghệ như quy định tại Quyết định 567, nên các doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi; Việc ban hành các hướng dẫn thi công với gạch bê tông còn chậm, việc soán xét chỉnh sửa các tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn thi công gạch bê tông nhẹ, định mức sử dụng gạch không nung còn chậm, chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Bắc cho rằng, một số địa phương chưa thực sự quan tâm hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, chưa ban hành chính sách hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện chương trình.
Trong khi đó, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, không nghiên cứu, cập nhật các quy định của Nhà nước dẫn đến tình trạng vẫn còn nhiều công trình sử dụng vốn Nhà nước, nhà cao trên 9 tầng chưa sử dụng VLXKN theo quy định.
Ngoài ra, do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; Một số nhà máy do hiểu biết về các tình năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu khi và vận chuyển chưa đúng quy trình đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.
Các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời trong lúc kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường BĐS trầm lắng, chi phí tài chính lớn, do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ...
Nhằm thúc đẩy sử dụng gạch không nung tại các công trình xây dựng, ông Phạm Văn Bắc đề xuất, cần chỉnh sửa Thông tư 09 theo hướng quy định sử dụng VLXKN với tỷ lệ phù hợp với từng vùng miền; Quy định cụ thể chế độ báo cáo của nhà đầu tư, đơn vị thi công phải báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình sử dụng VLXKN hàng quý, năm và kết thúc công trình.
Đồng thời nghiên cứu điều kiện cụ thể của từng địa phương để có quy định cho phù hợp; Chỉnh sửa Nghị định 121/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây, theo hướng tăng mức độ xử phạt khi vi phạm các quy định trong việc sử dụng VLXKN sai với quy định.
Cũng theo ông Bắc, cần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn thi công và định mức xây dựng khi sử dụng VLXKN; Tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Quyết định 567, Chỉ thị 10 và Thông tư 09; đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sản xuất, sử dụng VLXKN.
Bộ Xây dựng tăng cương công tác thanh, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sử dụng VLXKN; Các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, khắc phục nhược điểm trong quá trình sản xuất VLXKN.
Tăng cường mở các khóa đào tạo ở các cấp độ khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau để trang bị kiến thức cho cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật ở các lĩnh vực sản xuất, thiết kế, thi công... tạo nên sự hiểu biết sâu rộng về sản phẩm VLXKN, từ đó sản xuất ra các sản phẩm tốt hơn, sử dụng có hiệu quả hơn, từng bước đưa Chương trình phát triển VLXKN vào thực tế cuộc sống.