Không chỉ hệ thống luật pháp liên quan đến việc bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân trong lĩnh vực bất động sản đã khá đầy đủ, không chỉ áp lực của thị trường phân khúc căn hộ du lịch (mà người ta thường gọi là Condotel) mấy năm nay nóng như miệng núi lửa, không chỉ đích thân Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu tháo gỡ… mà cho đến bây giờ, đứa con “ngoài giá thú” ấy mới được liệt vào dạng hợp pháp!
Mà đâu đã xong, ngay lập tức, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã “tố” lên rằng, còn sót một đứa con khác tương tự như condotel nhưng vẫn chưa được pháp luật công nhận, đó là nhà phố du lịch.
Vẫn chưa hết, hẳn mọi người còn nhớ hôm gần đây, tại cuộc tọa đàm do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức, một sản phẩm mới có tên là ApartHotel đươc Tập đoàn Crystal Bay giới thiệu và khẳng định rằng, đây là hướng đi mới đón đầu nhu cầu trải nghiệm của du khách, tạo nên hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh.
ApartHotel đã hình thành tại nhiều nước, nó chính là sự kết hợp giữa 2 từ Apartment và Hotel, là sự kết hợp giữa dịch vụ, tiện ích đẳng cấp vượt trội của khách sạn tiêu chuẩn quốc tế và sự tiện nghi của một căn hộ cao cấp. Tất cả các tiện ích này được chia sẻ cho các du khách lưu trú như bể bơi, phòng tập, khu massage,… đây chính là điều tạo nên sự khác biệt cho mô hình ApartHotel so với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng hiện có.
Vậy ai dám bảo đảm rằng, cuộc sống đa dạng và sinh động nay mai còn sinh ra biết bao đứa con tương tự như thế trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ví dụ như Xtel, Ytel… Và mỗi một đứa con ấy lại phải tốn không biết bao nguồn lực vật chất, tinh thần, thời gian và cơ hội của đất nước để có thể cấp cho nó một chiếc giấy khai sinh?
Và ai cũng biết rằng, đó chính là những lực cản vô hình trong quá trình phát triển của đất nước.
Theo quan điểm của tôi, thực ra, tất cả những đứa con ấy đều có bản chất giống nhau, đều là sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ, mà tôi tạm đặt cho nó cái tên là “Chisetel”.
Những năm gần đây, nhiều người thường nhắc đến “nền kinh tế chia sẻ”, không chỉ trên những diễn đàn, hội thảo khoa học, trên các phương tiện thông tin đại chúng mà ngay cả trong phần lớn các chương trình khởi nghiệp của giới trẻ.
Vậy nền kinh tế chia sẻ là gì, từ đâu đến, Việt Nam đã đón nhận nó như thế nào và sẽ gặp những thách thức gì…?
Đúng ra, sự chia sẻ về kinh tế đã hình thành cả ngàn năm gắn liền với cuộc sống con người. Nhưng kể từ khi bùng nổ công nghệ thông tin, sự kết nối giữa con người với con người vượt ra khỏi tầm mắt, thậm chí là xóa nhòa biên giới quốc gia thì sự chia sẻ kia đã phát triển đến mức biến thành một loại hình kinh tế mới, được gọi là nền kinh tế chia sẻ.
Có thể hiểu nền kinh tế chia sẻ một cách ngắn gọn rằng, “cái gì của tôi cũng có thể là của bạn, miễn là trả phí”. Có nghĩa là bạn không cần tốn nhiều tiền để sở hữu một sản phẩm đắt tiền mà thường xuyên không dùng đến nó. Thông qua hệ thống mạng, nền kinh tế chia sẻ sẽ xuất hiện và nhu cầu của bạn liền lập tức được đáp ứng với chi phí hết sức hấp dẫn.
Theo các nhà nghiên cứu thì nền kinh tế chia sẻ bắt đầu phát triển mạnh ở Mỹ những năm đầu của thế kỷ XXI và thành công nhất ở lĩnh vực cho thuê nhà và xe hơi. Theo thống kê của trang web Airbnb, trung bình những người cho thuê nhà ở San Francisco cho thuê nhà trong 58 đêm/năm và thu về 9.300 USD. Những người cho thuê xe hơi trên website RelayRides thu về số tiền 250 USD/năm, thậm chí một số còn kiếm được 1.000 USD.
Ở Việt Nam gần đây đã bắt đầu phát triển nền kinh tế chia sẻ này, dễ thấy nhất là lĩnh vực bán hàng đa cấp, vận tải công cộng Uber, Grab, căn hộ kiêm khách sạn condotel… Lợi ích thì cũng nhiều, nhưng sự trả giá và tranh cãi xảy ra không ít.
Chẳng hạn như loại hình căn hộ kiêm khách sạn condotel, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chỉ có tên gọi và những quy chuẩn cho căn hộ riêng và khách sạn riêng mà chưa có danh mục “lưỡng tính” này, và vì thế, thị trường condotel đang phát triển mạnh mẽ ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… nhưng thiếu các điều luật để Nhà nước quản lý và định hướng phát triển nên lại nhanh chóng bước vào thời kỳ đóng băng và mấp mé khủng hoảng.
Một khảo sát được thực hiện bởi Công ty Nielsen với hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia cho thấy, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này, 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ.
Vì thế, có thể kết luận rằng, “Chisetel” là đứa con tất yếu của nền kinh tế chia sẻ. Mọi sản của chúng nếu hình thành hợp pháp theo đúng tinh thần của văn bản 703 của Bộ TN-MT thì cần phải cấp giấy chứng nhận cho chúng, bởi lẽ đây là trách nhiệm bắt buộc của Nhà nước trong việc bảo vệ tài sản hợp pháp của mọi công dân mà hiến pháp đã quy định.